Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất tăng thêm 2 ngày nghỉ Quốc khánh 2/9: đánh giá kỹ tác động

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cho rằng số ngày nghỉ lễ, Tết của Việt Nam thấp hơn các nước Đông Nam Á và với mong muốn công nhân được đưa con đến trường ngày khai giảng, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tăng số ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9.

Cần cân nhắc kỹ

Vừa qua, đoàn viên, người lao động gửi kiến nghị đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đề xuất bổ sung 2 ngày nghỉ Quốc khánh để kéo dài dịp nghỉ lễ từ ngày 2/9 đến hết ngày 5/9. Qua đó, tạo cơ hội cho công nhân, người lao động được đưa con đến trường ngày khai giảng năm học mới.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tăng số ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9. Ảnh: Đức Vinh.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tăng số ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9. Ảnh: Đức Vinh.

Tại Hội nghị thông tin về tình hình công nhân, công đoàn và dự án Luật Công đoàn sửa đổi, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chia sẻ lý do đề xuất kéo dài số ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9: Bình quân số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm của các nước Đông Nam Á khoảng 16 – 17 ngày; trong khi Việt Nam chỉ có 11 ngày. Như vậy, số ngày nghỉ của Việt Nam thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới 5 – 6 ngày. Từ thực tế này cho thấy, dư địa để tăng số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm của Việt Nam vẫn còn.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng lý giải về đề xuất tăng số ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9 thay vì kéo dài nghỉ Tết Nguyên đán: Người lao động đã được nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, vì vậy Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn được tăng số ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 để giãn thời gian nghỉ trong năm, cứ hơn 1 quý là đoàn viên, người lao động có một dịp nghỉ.

Dịp Quốc khánh 2/9 là cơ hội cho công nhân được về nhà thăm gia đình, đưa con đi chơi trước khi bắt đầu năm học mới. Vì thế, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc tăng số ngày nghỉ dịp này.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị về việc Tổng LĐLĐ Việt Nam đang nghiên cứu, đề xuất tăng thêm 2 ngày dịp nghỉ Quốc khánh 2/9, tổng cộng thành 4 ngày, TS Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng: “Cần lấy ý kiến của các bộ, ngành T.Ư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), người lao động và Chính phủ sẽ đánh giá tác động. Kéo dài thêm 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9 thì DN phải trả lương cho người lao động, trường hợp người lao động đi làm thêm những ngày nghỉ lễ thì DN trả lương làm thêm giờ bằng 300% ngày làm việc bình thường. Cho nên phải tính toán, không phải cứ nghỉ nhiều là hay, nhất là khi năng suất lao động còn thấp”.

Kéo dài số ngày nghỉ khi năng suất lao động tăng

Là người có nhiều năm nghiên cứu về chính sách an sinh xã hội, TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho biết: theo thông lệ quốc tế, ngày nghỉ của người lao động có rất nhiều mục đích. Thứ nhất là để người lao động duy trì và phục hồi sức lao động đã hao phí trong quá trình làm việc. Thứ hai, ngày nghỉ của người lao động phụ thuộc nhiều vào năng suất lao động của xã hội. Thứ ba, còn liên quan đến tiền lương và các khoản có tính chất lương.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất kéo dài ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, đồng nghĩa với công nhân lao động được nghỉ làm và hưởng nguyên lương. Ảnh: Đức Vinh.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất kéo dài ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, đồng nghĩa với công nhân lao động được nghỉ làm và hưởng nguyên lương. Ảnh: Đức Vinh.

Xu hướng chung của các nước phát triển là giảm giờ làm việc, tăng thời gian nghỉ ngơi cho người lao động có điều kiện phục hồi và nâng cao sức khỏe, chăm sóc con, tham gia các hoạt động xã hội... So với các nước, số ngày nghỉ của người lao động Việt Nam thấp hơn. Nhưng vì nước ta đang có thu nhập trung bình và bắt đầu vào ngưỡng trên trung bình thì không thể so sánh số ngày nghỉ với các nước phát triển. “Chúng ta phải có phương án tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, phát triển nguồn nhân lực, kết hợp giữa phát triển kinh tế với xã hội. Việt Nam cũng đã từng bước giảm ngày làm việc và giảm giờ làm việc trong tháng. Với các ngày nghỉ lễ, Tết trong năm của Việt Nam, về cơ bản Bộ LĐTB&XH, Chính phủ, Quốc hội đã tính rất kỹ, có mở rộng các trường hợp và đã đưa vào Bộ luật Lao động năm 2019” – TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Về việc Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu, đề xuất tăng thêm số ngày dịp nghỉ Quốc khánh 2/9 để công nhân đưa con đến trường ngày khai giảng 5/9, chuyên gia an sinh xã hội Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, phải tính toán xem có bao nhiêu phần trăm người lao động có con đi học. Không phải tất cả công nhân đều có con trong độ tuổi đến trường, mà chỉ có lao động trẻ. Nếu có từ 50% công nhân trong tổng số người lao động có con đi học thì có thể kéo dài ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9. Còn nếu công nhân có con trong độ tuổi đi học chiếm tỷ lệ thấp thì không phù hợp để kéo dài ngày nghỉ.

Nhiều người lao động ủng hộ việc Tổng LĐTĐ Việt Nam đề xuất kéo dài ngày nghỉ dịp lễ Quốc khánh 2/9, đồng nghĩa với công nhân lao động được nghỉ làm và hưởng nguyên lương. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động sản xuất, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV May mặc Việt-Pacific Nguyễn Tràng Huy cho rằng, thời gian nghỉ thai sản đã tăng lên... Hiện nay, một số nước xung quanh đang hội nhập vào thị trường may mặc nên ngành may trong nước bị cạnh tranh sản phẩm rất lớn. Nếu người lao động nghỉ nhiều ngày sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đơn hàng, thậm chí bị mất việc làm thì cuộc sống sẽ khó khăn. Có thể, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất nghỉ thêm 1 ngày dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, chứ ngay một lúc nghỉ nhiều ngày quá sẽ không ổn.

Các chuyên gia đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cân nhắc rất kỹ tác động sâu rộng của việc tăng số ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tới DN và người lao động về mọi mặt. Việc tăng số ngày nghỉ dịp Quốc khánh chỉ nên diễn ra khi năng suất lao động của Việt Nam tăng và người lao động có thu nhập tốt.