Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để xứng đáng “là Thủ đô ta”

Vân Thiêng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo TP Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:“Hà Nội phải là TP đáng sống”.

Đây không chỉ là mệnh lệnh mà là mong muốn, sự kỳ vọng về một Thủ đô trong hành trình hoàn thiện mình để trở thành một trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa có sức lan tỏa trong quá trình hội nhập quốc tế.

Hơn sáu thập kỷ qua, cứ đến ngày này, người dân Hà Nội lại rộn ràng xao xuyến nhớ về những kỷ niệm của ngày Thủ đô giải phóng, khi từng đoàn quân từ 5 cửa ô rầm rập tiến vào Hà Nội trong tiếng hò reo của Nhân dân trong ngày vui chiến thắng, được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Liên hiệp kháng chiến trở về. Sau 9 năm xa Hà Nội, từng góc phố, mái nhà, từng mảng tường loang lổ vết đạn mùa Đông năm 1946 cứ hiển hiện trong mắt người trở về, như một lời nhắc nhớ về giá trị to lớn của độc lập tự do.

Vì vậy, trải qua những biến cố của lịch sử, “một thời đạn bom, một thời hòa bình”, vượt qua bao khó khăn, Hà Nội đã từng bước đứng lên. Từ một TP bị kiệt quệ trong chiến tranh, Hà Nội đã và đang khẳng định vị trí trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội đang đổi thay từng ngày, diện mạo TP khang trang, hiện đại với hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, kinh tế trọng điểm được đưa vào khai thác.

Kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô là dịp để người Hà Nội tự hào về truyền thống, tự hào về những danh hiệu cao quý mà bạn bè thế giới đã yêu mến dành cho. Nhưng đây cũng là dịp mỗi người nhìn lại mình để ý thức hơn về trách nhiệm phải làm cho TP này giàu đẹp hơn, văn hóa, văn minh hơn, xứng đáng “là Thủ đô ta” như Bác Hồ từng mong lúc sinh thời. Nói vậy để thấy rằng Hà Nội vẫn còn nhiều việc cần làm. Đó là nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ trong quy hoạch; phát triển nóng khu vực nội đô dẫn đến những xung đột về cơ sở hạ tầng xã hội, quá tải dân cư, ùn tắc giao thông thường xuyên, môi trường sống ô nhiễm, quản lý đất đai, đô thị còn lỏng lẻo, xử lý úng ngập chưa tốt… Những hạn chế, yếu kém đó đang là trở lực, là thách thức đòi hỏi phải giải quyết, để Hà Nội phát triển lên tầm cao mới.

Hà Nội phải chuyển mình từ những việc làm rất cụ thể. 21 kiến nghị mà lãnh đạo TP gửi lên Chính phủ sẽ không là gì nếu mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền, mỗi người dân Hà Nội không ý thức tự chuyển mình. Không thể cứ đủng đỉnh theo kiểu “muốn nhanh thì phải từ từ”, “Hà Nội không vội được đâu” mà phải xác định tinh thần:“Hà Nội không vội là không xong”, để thấy cần phải thay đổi nhanh chóng, quyết liệt, phải biến “Hà Nội thành nơi điển hình thu hút người tài, người giàu, người có văn hóa, có nghề nghiệp, mọi người đều bình đẳng và có cơ hội phát triển. Nói cách khác, Hà Nội phải là TP đáng sống” như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc đã nói với lãnh đạo TP trong cuộc làm việc cuối tháng 9 vừa rồi.

Ý thức sâu sắc giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình và phát triển, người Hà Nội luôn tự dặn lòng mình phải năng động hơn trong lao động, dựng xây; Lịch thiệp, nhân ái hơn trong ứng xử văn hóa, để Hà Nội không chỉ ngày càng vươn lên những tầm cao mới, mà còn tự hào là TP đáng sống, TP hòa bình, văn minh, văn hiến, bản sắc và phải thượng tôn pháp luật.