Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, công tác đảm bảo trật tự ATGT trong 8 tháng đầu năm 2020 tiếp tục đạt được những kết quả rất tích cực. Trong đó, tiêu biểu nhất là tình hình tai nạn giao thông (TNGT) từng bước được kiểm soát và kéo giảm.
Tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu
Số liệu thống kê về tình hình TNGT trong 8 tháng đầu năm 2020 cho thấy, toàn quốc xảy ra 9.170 vụ TNGT, làm chết 4.342 người, bị thương 6.727 người. So với 8 tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm 2.161 vụ (19,07%), số người chết giảm 754 người (14,8%), số người bị thương giảm 1.860 người (21,66%). Đặc biệt số người chết do TNGT giảm 14,8%, mức giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây.
Kết quả trên càng trở nên ý nghĩa hơn khi thời gian qua cả nước đang phải gồng mình lên đối phó với dịch bệnh Covid-19 với diễn biến hết sức phức tạp. Để thực hiện nhiệm vụ kép vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế và vừa đảm bảo trật tự ATGT trong điều kiện dịch bệnh hoành hành, cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc. Việc TNGT tiếp tục giảm sâu cả 3 tiêu chí trong 8 tháng đầu năm 2020 chính là thành quả từ sự nỗ lực của cả xã hội.
Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp TNGT được kiềm chế và kéo giảm trong thời gian qua chính là nhờ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được hoàn thiện và ngày càng trở nên chặt chẽ, toàn diện. Công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trật tự ATGT tiếp tục được quan tâm.
Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá, tình hình trật tự ATGT trong 8 tháng cuối năm 2020 vẫn còn những tồn tại. Điển hình là tình trạng các vụ TNGT do xe đầu kéo và xe chở container gây ra, TNGT liên quan đến phương tiện thủy dân sinh tăng cao đột biến. Bên cạnh đó, tình trạng đua xe trái phép có dấu hiệu tái diễn. Số vụ vi phạm quy định về nồng độ cồn vẫn ở mức cao. Tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ tái diễn phức tạp, nhất là nơi có mỏ vật liệu, khoáng sản, công trình xây dựng, nhà máy xi măng, cảng. |
Đặc biệt, sự ra đời của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100 của Chính phủ, tạo nên sự chuyển biến tích cực về ý thức và hành vi của người tham gia giao thông trên toàn quốc, giúp tình hình trật tự ATGT trên toàn quốc có nhiều chuyển biến tích cực, TNGT đã giảm sâu nhất trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo điều hành của Ban Bí thư, Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia cũng như các bộ, ban, ngành tiếp tục thể hiện vai trò đi đầu và mang lại những hiệu quả rõ rệt. Đơn cử như Ủy ban ATGT quốc gia đã ban hành 15 Công điện và hơn 70 văn bản chỉ đạo các bộ, ngành địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong điều kiện có dịch, bệnh Covid-19.
Các Bộ GTVT, Công an cũng như UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đã tổ chức triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT gắn với phòng chống dịch bệnh Covid-19; tổ chức các cao điểm, các kế hoạch chuyên đề bảo đảm trật tự ATGT mang lại hiệu quả rất đáng ghi nhận.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATGT cũng như công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT tiếp tục được các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh trong thời gian qua đã đem đến những hiệu ứng tích cực góp phần tăng cường tính răn đe, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông...
Các vụ TNGT nghiêm trọng do xe tải và container gây ra vẫn là nỗi ám ảnh trong thời gian qua. (Ảnh: Hòa Thắng). |
5 nhiệm vụ trọng tâm
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, từ nay đến hết năm 2020 của công tác đảm bảo trật tự ATGT sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch số 666 của Ủy ban ATGT quốc gia về Năm An toàn giao thông 2020
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự ATGT chống ùn tắc giao thông, trọng tâm là xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) và xem xét dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm Trật tự an toàn giao thông đường bộ trong kỳ họp thứ 10...
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông; tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”; tham gia giao thông an toàn trong điều kiện thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19...
Thứ ba, nâng cao chất lượng, kết quả và hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự ATGT. Trong đó Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung vào các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy; lái xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ...
Bộ GTVT khẩn trương thưc hiện Quyết định 923/QĐ-TTg ngày 30/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ”; nâng cấp hệ thống quản lý dữ liệu giám sát hành trình đảm bảo khả năng tiếp nhận và quản lý dữ liệu camera từ xe ô tô kinh doanh vận tải từ 1/7/2021...
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Y tế các địa phương hướng dẫn và phối hợp thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông...
Bộ Xây dựng tổ chức đoàn kiểm tra các địa phương về kết quả thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt...
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng và bảo đảm an toàn giao thông các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia; khẩn trương hoàn thành để đưa vào khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bến Lức - Long Thành..
Thứ năm UBND các tỉnh, TP tập trung thực hiện những nội dung của Kế hoạch Năm ATGT 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia về kết hợp chặt chẽ công tác bảo đảm TTATGT với phòng chống dịch Covid -19.
Trong đó, UBND Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng cường thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông, đặc biệt là tiến độ các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm; có phương án sắp xếp hợp lý các hoạt động dân sinh trên vỉa hè, lòng đường đồng thời cương quyết xử lý mọi trường hợp vi phạm trật tự đô thị; xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động đường thông - hè thoáng đến cấp phường, thị trấn.