Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đến Hà Nội khám phá “đặc sản” du lịch văn hóa

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ lâu nay, ngành Du lịchViệt Nam luôn xác định, du lịch văn hóa là nền tảng để phát triển du lịch một cách bền vững, giúp gia tăng sức hút với du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Hà Nội cũng không nằm ngoài dòng chảy ấy, với rất nhiều tiềm năng và lợi thế có thể khai thác thành các tour “đặc sản”.

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới cho thấy, tỷ lệ khách quốc tế tới tham quan và trải nghiệm các sản phẩm du lịch văn hóa tại các TP, thủ đô của các nước trong khu vực luôn chiếm hơn 40% tổng số khách.

Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam là vùng đất giàu bản sắc văn hóa khi dẫn đầu cả nước về số lượng di tích trên địa bàn với 5.922 di tích được kiểm kê. Trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp TP.

Đặt chân tới Thủ đô, du khách sẽ tới thăm các công trình kiến trúc được xếp vào hàng bậc nhất cả nước với các tòa nhà, nhà hát tồn tại từ thời Pháp thuộc hay những di tích lịch sử văn hóa như Lăng Bác, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Tham quan khu vực ngoại thành, du khách sẽ tới những làng quê Bắc bộ trù phú của xứ Đoài mây trắng, làng cổ Đường Lâm.

Khách quốc tế tham quan Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Phạm Hùng
Khách quốc tế tham quan Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Phạm Hùng

Không chỉ lưu giữ những kiến trúc đặc sắc, Hà Nội còn là địa phương đang bảo tồn tinh hoa ẩm thực Bắc Bộ, đây cũng là một trong những lý do khiến giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới Michelin đã chọn các nhà hàng ở Hà Nội để gắn sao như một cách vinh danh và ghi nhận nền ẩm thực đặc sắc của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Chính sự đa dạng, phong phú về loại hình các di sản, sự giàu có về văn hóa đã trở thành nguồn tài nguyên để Hà Nội phát triển sản phẩm du lịch văn hóa.

Đánh giá tiềm năng, lợi thế của du lịch văn hóa Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, Phó Cục trưởng Cục du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Văn Thủy cho rằng, du lịch dựa trên thế mạnh văn hóa, thiên nhiên, bản sắc, tập tục các dân tộc có thể mang đến sự khác biệt cho Việt Nam, đây chính là cơ sở để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, có tính cạnh tranh cao với các nước trong khu vực.

“Câu chuyện về sự thành công của những sản phẩm du lịch văn hóa tại Hà Nội thời gian gần đây như: tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, tour văn học tại Bảo tàng Văn học Việt Nam… là một minh chứng rất lớn cho việc dựa vào văn hóa để phát triển du lịch sẽ tạo được sức hút rất lớn với du khách” - ông Thủy nêu ví dụ.

Thực tế cho thấy, thời gian qua ngành du lịch Thủ đô dựa trên “nguyên liệu” văn hóa để phục dựng, sáng tạo nhiều điểm đến, sự kiện, lễ hội đặc sắc như: không gian đi bộ khu vực phố cổ; không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phố sách Hà Nội; không gian bích họa phố Phùng Hưng... thu hút lượng du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chú trọng xây dựng các tour du lịch văn hóa hấp dẫn như: tour đêm di tích Nhà tù Hỏa Lò, di sản Hoàng thành Thăng Long… qua đó tạo cơ hội cho du khách tìm hiểu văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, những năm gần đây, không ít mô hình văn hóa sáng tạo đã được ra đời phục vụ du lịch và dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân
Hà Nội. Tiêu biểu như các dự án nghệ thuật công cộng tại khu phố cổ Hà Nội dần trở thành điểm đến quen thuộc của du khách. Khu vực gầm cầu phố Phùng Hưng sau nhiều năm được thay “áo mới” đã trở thành điểm đến cố định trong các tour du lịch, tham quan tại Hà Nội.

“DN lữ hành đưa du khách tới đây không chỉ để check in, chụp ảnh mà còn tìm hiểu về lịch sử, những ký ức về cuộc sống từng gắn liền với con đường này, như những máy nước công cộng từ hàng chục năm trước, những chuyến tàu đi qua phố, những gánh hàng rong, khu hay chợ xe máy đầu tiên của Hà Nội” - ông Long nói.

Chị Nguyễn Lan Hương (quận Cầu Giấy) chia sẻ, mặc dù sinh sống ở Hà Nội, nhưng gia đình chị đã phải đặt trước 2 tháng mới tới lượt tham quan tour tham quan Nhà tù Hỏa Lò. Sau khi đã trải nghiệm sản phẩm du lịch văn hóa này, chị thấy không uổng phí khi hàm lượng lịch sử được ngành du lịch giới thiệu đến du khách một cách khéo léo, hấp dẫn.

Chung tay xây dựng tour “đặc sản”

Mặc dù được nhận định có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch văn hóa nhưng theo các chuyên gia, việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác được hết tài nguyên phong phú.

Là người hoạt động trong lĩnh vực du lịch hơn 20 năm, Chủ tịch Lux Group Phạm Hà nhận định, việc khai thác du lịch của Hà Nội hiện nay còn rời rạc, chỉ vài điểm truyền thống tại một số quận nội thành như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa nên chưa ra được tổng thể các tour du lịch mang tính bài bản tại các điểm du lịch Hà Nội.

Dưới góc độ DN du lịch, Tổng Giám đốc Wondertour Việt Nam Lê Công Năng đánh giá, Hà Nội là điểm hội tụ tinh hoa của Việt Nam qua các thời kỳ, tuy nhiên hoạt động truyền thông quảng bá các tour văn hóa, đặc biệt tour văn hóa Hà Nội chưa được đầu tư mạnh mẽ.

 

Để du lịch văn hóa “chạm” được tới du khách thì các địa phương, điểm đến cần có sự sáng tạo trong cách kể câu chuyện của mình. Cần phải "thổi hồn" cho những di tích, di sản đang có bằng nhiều trải nghiệm mới.
PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội)

 

Tỷ lệ lớn khách quốc tế chỉ coi Hà Nội là điểm trung chuyển để đến khám phá văn hóa vùng cao Sapa, nghỉ dưỡng biển Hạ Long hay tham quan danh thắng Ninh Bình. Hơn thế, các sản phẩm du lịch ra đời chưa phản ánh hết sự phong phú và đa dạng về văn hóa của Hà Nội.

Từng trực tiếp xây dựng nhiều sản phẩm du lịch văn hóa tại Hà Nội, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, để phát triển du lịch văn hóa bền vững, mang lại giá trị thương hiệu của du lịch Thủ đô đòi hỏi ngành du lịch trên cơ sở thế mạnh di sản văn hóa, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, hấp dẫn, có khả năng thu hút khách du lịch nói chung và khách quốc tế nói riêng.

Đồng thời, Hà Nội cần kết hợp với các tỉnh, thành tạo ra các sản phẩm du lịch kết hợp như: tour Hà Nội - Sapa, Hà Nội - Hạ Long, Hà Nội - Ninh Bình... từ đó tăng trải nghiệm và mở rộng nguồn khách.

“Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi thời gian tới TP Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ các công ty du lịch có những sản phẩm văn hóa đặc sắc. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các công ty du lịch này trong việc khai thác và chuẩn hóa du lịch văn hóa” - ông Thắng kiến nghị.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, Hà Nội cần chú trọng đẩy mạnh và sáng tạo các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, ứng dụng công nghệ số, tăng tương tác, các sân khấu trình diễn văn hóa, các công trình văn hóa nghệ thuật và các trung tâm văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng; bảo tồn và phát triển văn hóa vùng miền, đào tạo đội ngũ nhân lực cho du lịch văn hóa - những người có kiến thức và kinh nghiệm là sứ giả mang đến thông tin về lịch sử, văn hóa lễ hội… cho khách du lịch. Có như vậy du lịch văn hóa của Thủ đô mới thực sự thu hút khách quốc tế trong thời gian tới.