Đến hẹn lại lo... đuối nước!

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hè lại về với tiếng ve râm ran khắp phố phường, đi kèm với đó là nỗi lo thường trực của nhiều gia đình khi các vụ đuối nước trẻ em liên tục xảy ra, nhất là vào dịp nắng nóng.

Đa số các vụ đuối nước gây tử vong ở trẻ em đều có nguyên nhân từ sự lơ là, thiếu quan tâm, giám sát đầy đủ của gia đình. Ảnh: Nguồn Internet
Đa số các vụ đuối nước gây tử vong ở trẻ em đều có nguyên nhân từ sự lơ là, thiếu quan tâm, giám sát đầy đủ của gia đình. Ảnh: Nguồn Internet

Làm sao giảm thiểu các vụ tai nạn đuối nước, làm sao đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ và nắm vững các kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước vẫn là nỗi day dứt, trăn trở đặt ra mỗi khi Hè về.

Sự việc đau lòng xảy ra mới đây (ngày 20/5) khiến một phụ huynh và một học sinh ở Hà Nội thiệt mạng khi tham gia chuyến tham quan, trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) là một ví dụ đau lòng. Ngay sau đó là vụ việc 3 chị em đuối nước thương tâm tại bến sông Bà Dư (Đồng Tháp) và liên tiếp các vụ tử vong do đuối nước ở trẻ tại Nghệ An, Bình Thuận, Đắk Lắk tính từ hồi đầu tháng 5/2023. Những vụ tai nạn này lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến các bậc phụ huynh, các gia đình khi mùa Hè với nhiều tiềm ẩn, nhiều nguy cơ đuối nước vẫn luôn hiện hữu ở phía trước.

Có thể thấy, đa số các vụ đuối nước gây tử vong ở trẻ em đều có nguyên nhân từ sự lơ là, chủ quan, thiếu sự quan tâm, giám sát đầy đủ của gia đình. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ em thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi bị đuối nước. Các địa phương và ngay cả Hà Nội còn thiếu sân chơi, bể bơi, bãi tắm an toàn cho trẻ là những nút thắt, luẩn quẩn chưa được giải quyết triệt để mỗi dịp trẻ nghỉ Hè hay nghỉ lễ.

Một nguyên nhân khác xuất phát từ chính đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em thường hiếu động, ham vui, thích rủ nhau đi tắm sông, suối, hồ… trong khi nhiều em lại không biết bơi, hoặc biết bơi nhưng thể lực còn yếu, không có kỹ năng bảo đảm an toàn, xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, đuối nước là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em trên thế giới. Tại Việt Nam, hàng năm vẫn có tới hàng nghìn trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Con số trên khiến Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước hàng đầu thế giới, cao hơn nhiều nước trong khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Để làm tốt công tác phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc đuối nước xảy ra, đặc biệt là ở trẻ em, vấn đề cấp thiết đặt ra là cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các gia đình trong việc giám sát, quản lý và giáo dục trẻ nhỏ dịp Hè; hướng dẫn kỹ năng, biện pháp phòng tránh và cách xử lý khi gặp tai nạn đuối nước; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, chính quyền địa phương mở các lớp dạy bơi cho trẻ em, trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết khi bơi.

Cùng với đó cần tiến hành lắp đặt các điểm phao cứu sinh và cảnh báo tự động, gắn biển cảnh báo đuối nước, chăng dây, làm rào chắn, nắp đậy các khu vực chứa nước nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.

Lo ngại các vụ tai nạn gây tử vong ở trẻ em trên địa bàn gia tăng vào dịp Hè, vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc, yêu cầu tăng cường phối hợp để quản lý học sinh tại địa phương dịp Hè 2023 trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, ứng phó với thời tiết khắc nghiệt; hạn chế việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm mang tính tự phát.

Nhưng trên tất cả, chính các gia đình, các bậc phụ huynh cần sát sao hơn nữa với con em mình. Hãy dành thời gian, thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm, tình yêu thương với con trẻ, không chỉ trong việc học tập mà cả trong kỳ nghỉ Hè, để các em đều được đón nhận một mùa Hè an toàn, bổ ích, được trải nghiệm, khám phá thế giới xung quanh và gắn kết với cha mẹ, ông bà, người thân.

Để kỳ nghỉ Hè thực sự là quãng thời gian đẹp đẽ, lưu giữ những ký ức tuổi thơ tươi đẹp với mỗi đứa trẻ, chứ không phải là nỗi ám ảnh thường trực khi không biết gửi trẻ ở đâu, chơi đâu, hay thấp thỏm lo… đuối nước như hiện nay!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần