Theo ông Phạm Văn Thiều – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đây là dịp để lãnh đạo 13 Sở NN&PTNT chia sẻ thực trạng sản xuất, những thuận lợi, khó khăn của năm 2021 vừa qua, cũng như kế hoạch hành động, đề xuất các giải pháp thực hiện nhằm đạt các mục tiêu và kế hoạch của năm 2022 của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL. Là dịp để Bạc Liêu lắng nghe tiếp thu các ý kiến của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, từ đó tỉnh nghiên cứu, học tập vận dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&TNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, mô hình tôm - lúa của Bạc Liêu hiện đang rất thành công trên cả 3 trục vùng dọc theo Quốc lộ 1A. Nhưng thành công về sản lượng quá lớn cũng cần thiết việc các doanh nghiệp trong ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực chế biến vào khu vực ĐBSCL, trong khi các doanh nghiệp địa phương không mặn mà với đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, cần phải có chính sách đầu tư ưu đãi đối với nhà đầu tư để thu hút vốn, công nghệ.
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin, Cà Mau với 23 tiểu vùng chuyên sản xuất tôm, lúa, lúa - tôm được người dân ủng hộ do tính hiệu quả bền vững, góp phần tăng trưởng cho địa phương và ổn định đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu hàng năm nên diện tích này thay đổi, có lúc diện tích lấn ra biển khi hạn mặn xâm thực ít, nhưng có lúc lại lùi sâu vào nội địa do hạn mặn xâm thực cao. Vì vậy, nhu cầu cải tạo hệ thống thủy lợi để điều tiết mặn - ngọt là rất lớn đối với Cà Mau. Đặc biệt, nhu cầu dẫn nước ngọt từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đang là điều kiện để ngành nông nghiệp nuôi trồng Cà Mau phát triển mạnh trong thời gian tới.
Đại diện ngành nông nghiệp của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng cho rằng, cần có chính sách liên kết vùng theo quy hoạch từng tỉnh, từng nhóm vùng. Trong năm 2022 cần sớm có chính sách và triển khai chuyển đổi số trên lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL…
Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản thông tin, cá tra, 80% tôm cả nước đều tập trung ở ĐBSCL. Hiện xuất khẩu thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới với 9 tỷ USD. Nhưng với cách chúng ta đang làm hiện nay thì nguy cơ sẽ còn rủi ro tụt hậu so với thế giới do còn nhiều vấn đề tồn tại.
Vì vậy, chúng ta cần có những linh hoạt trong tổ chức sản xuất, nâng cấp hạ tầng cho người dân, cơ sở sản xuất. Cần thay đổi cách tuyên truyền hướng dẫn khoa học kỹ thuật đến từng vùng nuôi, từng hộ, từng người dân để thành công đúng quy trình kỹ thuật. Có vậy, ĐBSCL sẽ liên kết được vùng, xây dựng thương hiệu riêng.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phải lan tỏa tinh thần, tư duy đó ở các địa phương, thiết thực nhất là thực hiện thành công các mô hình, nổi bật như lúa thơm, tôm sạch ở vùng ĐBSCL.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Đã đến lúc ĐBSCL phải tự tin 10 năm, 20 năm nữa thương hiệu vùng được xây dựng từ chính những khó khăn trong điều kiện khắc nghiệt. Chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn và trở thành hình mẫu là một trong những đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu trên thế giới”.
Vị tư lệnh ngành nông nghiệp mong muốn các địa phương mạnh dạn nêu lên những điểm nghẽn, đóng góp những phát kiến từ thực tiễn địa phương. Để từ đó, lãnh đạo Bộ chia sẻ dưới góc nhìn của bộ với những hướng dẫn, điều chỉnh trong sản xuất. Đặc biệt là những chuyển động gần đây của khu vực ĐBSCL, nhất là những mô hình, cách làm hay…