Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 3/2/2023 về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Triệt để trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng
Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 18, Luật Đất đai (sửa đổi), đảm bảo phù hợp với quy định, thực tiễn quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn TP và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đất đai được thống kê, kiểm kê, quản lý chặt chẽ; quy hoạch Thủ đô được thực hiện chất lượng, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất, thực hiện khoa học, đồng bộ quy hoạch và khả thi; nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin đất đai được hoàn chỉnh hiện đại, đồng bộ vận hành có hiệu quả. Thị trường bất động sản, thị trường quyền sử dụng đất được kiểm soát, đảm bảo công bằng, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai; sự thống nhất trong nhận thức chính sách quản lý đất đai từ cơ quan quản lý và tầng lớp Nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hành động, trách nhiệm trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên đất đai bền vững.
Theo đó, đến năm 2025, TP Hà Nội hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai theo thẩm quyền ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, phù hợp với thực tiễn Thủ đô.
Hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch Thủ đô, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 TP Hà Nội; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện.
Hoàn thành hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của TP Hà Nội; tổ chức khai thác, vận hành có hiệu quả cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư và kết nối liên thông vào hệ thống thông tin quốc gia; triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các thủ tục đất đai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Hoàn thành phân cấp, ủy quyền hợp lý, triệt để trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; đấu giá quyền sử dụng đất.
Đề xuất và lập phương án khai thác có hiệu quả quỹ đất dự kiến đối ứng cho các dự án BT nay không đủ điều kiện triển khai thực hiện; quỹ đất 20%, 25% tại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị trên địa bàn TP; quỹ đất thu hồi do vi phạm pháp luật đất đai; quỹ đất nhà ở thương mại đặt hàng tái định cư; quỹ đất di dời do ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch; quỹ đất bãi bồi ven sông...
Hoàn thành xây dựng Bảng giá đất, đảm bảo công khai, minh bạch, sát giá thị trường, phù hợp với thực tiễn, góp phần bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi, tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Cơ bản hoàn thành việc xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND TP.
Giải quyết dứt điểm các nội dung tồn tại trong công tác quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn TP đối với đất nông nghiệp, đất công ích; đất nông, lâm trường, trạm, trại; quản lý, sử dụng đất rừng; đất quốc phòng, an ninh bàn giao cho địa phương; đất tôn giáo, tín ngưỡng; giao đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp...
Rà soát, kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân lực và nguồn lực; tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, bảo đảm cho hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đất đai đủ mạnh để làm tốt nhiệm vụ quản lý và phát huy nguồn lực đất đai; hiện đại hóa và xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ công về đất đai, cải cách thủ tục hành chính về đất đai.
Đến năm 2030, TP Hà Nội tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai theothẩm quyền đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai và pháp luật khác có liên quan, phục vụ công tác quản lý, sử dụng đất.
Hoàn thiện các quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện tầm nhìn đến năm 2050, tạo bước chuyển có tính đột phá trong quy hoạch, huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lợi thế của Thủ đô…
Đến năm 2045, quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên đất nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2045; Phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh sử dụng đất đai của từng khu vực, vùng huyện, lĩnh vực sử dụng đất đảm bảo tính liên kết, phát triển hài hòa, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng đất
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Chương trình của Thành ủy Hà Nội xác định tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ để triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất; chính sách tài chính về đất đai; cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; sử dụng đất đai đúng mục đích, kết hợp đa mục tiêu; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.
Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của HĐND, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; phát hiện và phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập, sai phạm trong thi hành chính sách, pháp luật về đất đai để xử lý kịp thời, hiệu quả.