Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đến với mùa Thu ở Hương Sơn

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỗ tôi ở hiện giờ cách Hương Sơn chả mấy độ đường, nhưng quả thật suốt từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, đây là lần thứ 2 tôi đặt chân đến mảnh đất được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhất động”!

Cách nay vài chục năm có lẻ; vào dịp đầu năm, khi vui chân cùng bạn, tôi đã biết đến Hương Sơn. Nhưng sau một đêm gà gật ở dãy lán trọ với đủ thứ mùi, sáng hôm sau lại chen nhau đến ngạt thở mới được vãn cảnh chùa, sau đấy lại ba chân bốn cẳng xuống đò để kịp giờ ra xe, nói thật tôi đâm nản…

Bẵng đi vài chục năm, sáng một ngày đầu tháng 10 năm nay, tôi quay về Hương Sơn, Yến Vỹ. Sau 1 giờ đồng hồ chạy xe, chúng tôi đã đặt chân xuống suối Yến. Trời Thu xanh, dòng Yến cũng xanh ngắt…

Du khách vãn cảnh Thu trên suối Yến. Ảnh: Trần Thụ.
Du khách vãn cảnh Thu trên suối Yến. Ảnh: Trần Thụ.

Cách nay mấy ngày, Hà Nội mưa to lắm, mạn Mỹ Đức cũng vậy - nước từ thượng nguồn của những dãy núi đá đổ về khiến suối Yến mênh mông nước. Hàng lộc vừng ở cổng Đền Trình bị ngập sâu đến nửa thân. Toàn bộ khu vực sân đền bị nhấn chìm trong nước. Hai bên bờ suối Yến, cây cối đều bị nhấn chìm phân nửa, khiến người ta có cảm giác đang đi vào một khu rừng ngập nước mạn Đầm Long Ninh Bình hoặc giả là rừng Sác ở Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Trời Thu trong, nước suối trong, trên những ngọn núi đá vôi cỏ cây xanh rì, nhưng chẳng rõ do bị ngập nước (?), rặng cây hai bên bờ suối Yến bắt đầu ngả sang sắc vàng. Trước khi đến với suối Yến - Hương Sơn, tôi đã bị “hớp hồn” bởi những tấm ảnh của nam thanh nữ tú chụp cùng hoa súng ở Yến Khê, tràn ngập trên trên internet.

Dẫu chẳng có ý định “seo phì”, nhưng tôi vẫn nhắc cô lái đò rằng, chỗ nào có hoa súng thì dừng lại cho tôi chụp vài kiểu ảnh. Nhưng không may cho tôi, đợt mưa kéo dài suốt tuần trước đã nhấn chìm sinh cảnh hai bên bờ suối; thành thử những vạt súng chỉ còn thoi thóp những bông hoa cố bon chen với cơn nước lũ để trổ những sắc tím lẻ loi.

Đi sâu về phía thượng nguồn, cảnh sắc Hương Sơn vào Thu càng trở nên tịch mịch. Nguyễn Thị Thu - cô hướng dẫn viên bất đắc dĩ, người được Phó giám đốc lâm thời của HTX dịch vụ du lịch chùa Hương cử “tháp tùng” tôi vào vùng đất này cho biết: trong khu vực chùa Hương vẫn còn một số hộ dân “xen cư”, họ đã vào đây khai hoang, phục hóa từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Những hộ dân này chỉ “vén rừng” trồng cây ngô, khoai sắn.

“Rừng” ở đây là những cây bưởi, cây nhãn có tuổi đời hàng chục năm. Dưới tán “rừng” đó, người dân chen tạm mái tôn, mái lá làm nơi cư ngụ. “Cứ chỗ nào có tiếng gà gáy, chó sủa là có người dân sinh sống”, Thu cho biết.

Để chứng minh điều mình nói là thật, qua cầu Hội, Thu bảo người lái “bắt mũi” con đò rẽ trái, đi sâu vào con ngõ đã ngập sâu đến cả mét nước, chúng tôi ghé thăm căn lều của vợ chồng Ban - Hoài (xóm 8 thôn Yến Vỹ). Sau chén trà nóng hổi, Ban (tên người chồng) cho biết: năm 1980, khi người dân quê anh đi vào Lâm Đồng làm kinh tế mới, ông nội của vợ anh đã chọn cách “đi kinh tế mới”.

Từ đấy, con cái của ông cụ đã ăn sâu bám rễ ở mảnh đất này. Vợ chồng anh được “thừa kế” mảnh đất do cha ông để lại ở chân núi với mấy chục gốc nhãn và vài sào ao, lúc trồng sen, lúc thả hoa súng. Quanh năm gắn bó với non xanh, nước biếc – vợ chồng Ban mưu sinh bằng con gà, con vịt, củ sắn, củ khoai, con cua, cái ốc. Đôi lúc du khách có nhu cầu, vợ chồng anh sẵn sàng mổ gà, mổ vịt phục vụ. Gọi là phục vụ nhưng cũng thêm đồng ra đồng vào…

Hằng năm cứ sau Tết Nguyên đán, hàng triệu du khách thập phương đổ về chùa Hương ngoạn du và lễ Phật. Nói về cảnh sắc Hương Sơn, chẳng ai qua được thi sĩ Chu Mạnh Trinh khi ông viết "Hương Sơn phong cảnh ca": “Kìa non non, nước nước, mây mây/ Đệ nhất động hỏi là đây có phải?/Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh…”.

Lúc này đến với Hương Sơn thì mùa mai đã hết, dòng Yến Vỹ dẫu vừa qua trận lụt nhưng vẫn một màu xanh biếc, loáng thoáng vẫn có những con cá bé xíu tung tăng; chả biết chúng có nghe kinh như cách điệu của Chu tiên sinh, song vẳng đâu đây khoan nhặt tiếng lũ bìm bịp. Xen vào đấy là tiếng nhạc thoát ra từ những mái nhà núp sau vòm lá. Trời nước hòa quyện một màu xanh, trên dòng Yến Vỹ vài con đò khoan nhịp chở khách lãng du vãn nhịp Hương Sơn.

Không khí và nhịp sống nơi đây chùng xuống; trời thu trong sáng - non nước hữu tình, không đến vãn cảnh Hương Sơn, thắp nén tâm hương hướng tới đức Phật, quả thật là một sự sai sót.