Đến với Trường Sa - hải trình của những cảm xúc đặc biệt - Ảnh 1
Đến với Trường Sa - hải trình của những cảm xúc đặc biệt - Ảnh 2
Đến với Trường Sa - hải trình của những cảm xúc đặc biệt - Ảnh 3

Cảm giác lần đầu được đặt chân đến Trường Sa - quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong hải trình vừa qua với tôi vừa vinh dự, tự hào và thiêng liêng, với nhiều những ấn tượng để lại...

Đến với Trường Sa - hải trình của những cảm xúc đặc biệt - Ảnh 4

“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá…”. Những giai điệu trong bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” luôn vang lên trong đầu tôi từ khi biết mình sẽ là một trong 120 thành viên của Đoàn công tác TP Hà Nội đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, năm 2024. Ngày nhận thông báo đi công tác Trường Sa, trong tôi dâng lên sự háo hức cùng niềm vinh dự, tự hào. Tôi đã dành nhiều thời gian tìm đọc những tư liệu về Trường Sa.

Đến với Trường Sa - hải trình của những cảm xúc đặc biệt - Ảnh 5

Khánh Hòa một sớm cuối tháng 4 lịch sử, xe của Quân chủng Hải quân đón chúng tôi từ nhà khách tới Cảng Quốc tế Cam Ranh để bắt đầu hải trình vượt hơn 1.000 hải lý (gần 2.000km) đến với Trường Sa - một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.

Do đây là chuyến công tác dài ngày và lại là trên biển đầu tiên, nên tôi đã chuẩn bị rất kỹ, chu đáo hơn so với các chuyến công tác trên đất liền. Hai đêm đầu nghỉ ở nhà khách trên đất liền tại Khánh Hòa và cả khi lên xe ôtô ra Cảng Quốc tế Cam Ranh, tôi luôn quay sang nói với chị đồng nghiệp ngồi cạnh về cảm giác hồi hộp xen lẫn chút lo lắng của mình như một cách để tự trấn an tâm lý. Lo lắng không phải vì ngại khó, ngại khổ mà lo làm thế nào thích ứng nhanh nhất với cuộc sống trên tàu, để còn tác nghiệp trong những ngày tới với Trường Sa.

Đến với Trường Sa - hải trình của những cảm xúc đặc biệt - Ảnh 6

Khi xe đến cảng, chúng tôi đang lấy hành lý để lên tàu, một cán bộ Hải quân thông báo “Các đại biểu ở phòng nào thì thông báo để các chiến sĩ hỗ trợ chuyển hành lý xuống giúp?”. Lúc này, trước mắt tôi là hàng chục cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã có mặt để sẵn sàng hỗ trợ các đại biểu đoàn công tác. Xuống tới phòng được phân công trên tàu, trên giường mỗi thành viên đoàn là một chiếc gối và chăn được gấp ngay ngắn. Bên cạnh đó còn có mũ cối, một túi đồ dùng cá nhân đã được chuẩn bị sẵn.

Đến với Trường Sa - hải trình của những cảm xúc đặc biệt - Ảnh 7

Những ấn tượng về sự chu đáo, trách nhiệm của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã khiến không chỉ tôi mà các thành viên trong đoàn đều phải thốt lên 3 từ “rất tuyệt vời” khi được hỏi về công tác hậu cần trên tàu.

Đến với Trường Sa - hải trình của những cảm xúc đặc biệt - Ảnh 8

Đúng 9 giờ 15 phút ngày 19/4, tàu Trường Sa 571 kéo 3 hồi còi dài chào đất liền và đưa hơn 250 thành viên Đoàn công tác số 10 đến thăm quân, dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà) và Nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Con tàu với chiều dài 71m, rộng 13,2m và cao 6m như một “chú cá khổng lồ” giữa đại dương đang từ từ rẽ sóng rời Cảng Quốc tế Cam Ranh để mang tình cảm từ đất liền đến với Trường Sa.

Đến với Trường Sa - hải trình của những cảm xúc đặc biệt - Ảnh 9

Giữa trùng khơi đầy nắng và gió, chúng tôi những người con đất liền may mắn có cơ hội đến thăm vùng biển đảo của Tổ quốc đều có chung niềm vinh dự, tự hào, háo hức xen chút bồi hồi khi bắt đầu hành trình đến với đảo xa.

Đang còn bỡ ngỡ, chưa quen với không gian mới và cảm giác chếnh choáng, lắc lư của con tàu thì tới giờ cơm trưa. Theo thông báo qua hệ thống phát thanh trên tàu, phòng chúng tôi đến phòng ăn tại tầng B để dùng bữa. Với điều kiện lưu trữ có hạn trên tàu nhưng bữa ăn vẫn đủ rau xanh, thịt, cá… Với thói quen thích tìm hiểu, nên ngay sau khi dùng bữa tôi đã quyết định đi “tham quan” khu bếp - nơi sẽ sản xuất ra những món ăn hàng ngày trên tàu.

Đến với Trường Sa - hải trình của những cảm xúc đặc biệt - Ảnh 10

Trong căn phòng bếp nóng nực và xen lẫn mùi dầu mỡ, tôi mới đứng chưa đầy một phút mà lưng áo đã bắt đầu ướt mồ hôi, vậy mà những đầu bếp của tàu Trường Sa 571 vẫn luôn tay để chế biến các bữa ăn hàng ngày cho cả tàu. Tưởng rằng đơn giản nhưng trong điều kiện đồ ăn lưu trữ có hạn, việc chuẩn bị bữa ăn cho hơn 250 người trên tàu thực sự rất vất vả đối với những “anh nuôi”.

Do là đêm đầu tiên và vẫn chưa quen với lắc lư của con tàu nên tôi đã tỉnh giấc lúc 3 giờ sáng và ra ngoài hành lang tàu đi dạo. Vừa đi ngang qua phòng bếp rộng khoảng 20m2 tôi vẫn thấy rộn rã tiếng cười nói, xen lẫn sự khẩn trương, trách nhiệm của những người vẫn được chúng tôi gọi với cái tên thân thương “anh nuôi”. Mỗi người đảm đương một phần việc để chuẩn bị bữa sáng hôm sau cho các thành viên trên tàu.

Đến với Trường Sa - hải trình của những cảm xúc đặc biệt - Ảnh 11

Với số lượng lớn suất ăn như vậy, trên đất liền đã vất vả, khó khăn, trên tàu với điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, chông chênh thì công tác chuẩn bị lại càng khó khăn, vất vả hơn. Suốt hải trình 7 ngày cùng với đoàn chúng tôi, họ luôn là những người thức đầu tiên và đi ngủ cuối cùng. Cảm nhận điều đó, thành viên trong các tổ công tác của Đoàn TP Hà Nội đã luân phiên nhau vào bếp phụ giúp về mặt tinh thần cho các “anh nuôi”.

Theo chia sẻ của các chiến sĩ trong Tổ phục vụ tàu Trường Sa 571, do lượng thức ăn mỗi bữa lớn, tổ nấu ăn cũng thường chia thành các kíp để bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng mỗi bữa ăn. Nấu ăn trên tàu khó khăn hơn rất nhiều so với nấu ăn trên bờ, đặc biệt là thời điểm tàu đi qua vùng biển động, sóng biển lớn đầu bếp rất khó để giữ được thăng bằng. Bên cạnh đó, không gian nấu ăn cũng không được rộng rãi, thoải mái nên cán bộ, chiến sĩ phục vụ phải linh động, phân chia công việc phù hợp, nấu món nào trước, món nào sau để thức ăn không bị nguội khi đưa lên bàn ăn.

Đến với Trường Sa - hải trình của những cảm xúc đặc biệt - Ảnh 12

Không chỉ các “anh nuôi”, nhiệm vụ của thủy thủ đoàn cũng vô cùng vất vả, từ chuyện trực ca, vận hành để tàu chạy an toàn đến việc đưa hàng hoá và người lên các điểm đảo an toàn. Theo chia sẻ của các thuỷ thủ đoàn, để đưa đoàn công tác ra vào các đảo theo đúng hải trình, bảo đảm an toàn luôn là nhiệm vụ phải tính toán kỹ lưỡng. Địa hình các đảo phức tạp, ngoài đảo Trường Sa lớn có cầu cảng, các đảo còn lại tàu Trường Sa 571 không thể đến sát mà phải neo đậu từ xa khoảng 1 - 2 hải lý. Việc đưa người và hàng hóa lên đảo được “tăng bo” bằng những chiếc xuồng máy, mỗi lượt khoảng 15 người.

Đến với Trường Sa - hải trình của những cảm xúc đặc biệt - Ảnh 13

Tôi vẫn còn nhớ hôm tàu đến Nhà giàn DK1/8 Quế Đường, theo thông báo từ chỉ huy tàu, với tình hình biển hôm đó đoàn chúng tôi có thể lên Nhà giàn để thăm cán bộ, chiến sĩ. Vậy nhưng, để đưa được các thành viên đoàn công tác lên được, đòi sự cố gắng rất lớn. Việc cập xuồng, neo xuồng giữa những con sóng biển để các thành viên của đoàn lên được Nhà giàn là cả một “nghệ thuật”. Để lên được Nhà giàn cũng là “trận chiến” phối hợp nhịp nhàng giữa các thủy thủ lái xuồng và chiến sĩ trên Nhà giàn bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ rất dễ gây thương tích…

Đến với Trường Sa - hải trình của những cảm xúc đặc biệt - Ảnh 14

Trong hải trình ấy, mỗi thành viên đoàn công tác đều có những cảm nhận, kỷ niệm đẹp về biển đảo của Tổ quốc, về Trường Sa, Nhà giàn DK1 và luôn cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ tàu Trường Sa 571 đã nỗ lực hết mình để chuyến công tác của đoàn diễn ra an toàn.

(Còn nữa…)

Đến với Trường Sa - hải trình của những cảm xúc đặc biệt - Ảnh 15

15:11 30/05/2024