Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dẻo thơm chè lam Thạch Xá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người Thạch Xá truyền tai nhau rằng, món đặc sản chè lam bắt nguồn từ chính ngôi chùa cổ trong xã.

Dân làng làm bánh để thể hiện tấm lòng thành kính với tổ tiên và đức Phật. Cứ thế, trải qua nhiều thế hệ, giờ đây chè lam không chỉ là thứ quà của riêng người Thạch Xá, mà du khách mỗi khi viếng thăm chùa Tây Phương đều muốn mang về.

Ai bằng người làng Thạch?

Chè lam ngon là khi dẻo thơm mùi thóc nếp, ấm áp vị gừng cay, đậm đà vị mật mía và bùi ngậy từ lạc rang. Để làm nên chiếc bánh chè lam dẻo thơm, ngọt ngào ấy cần có trong tay nhiều loại nguyên liệu từ đồng đất quê hương như thóc nếp, gừng già, mật mía, lạc bóc vỏ, bột quế... Bao đời nay, người làng Thạch đã biết tận dụng những nguyên liệu thôn quê với bí quyết riêng có để tạo ra thứ quà ngon nức tiếng xứ Đoài. Ông Nguyễn Huy Hiến nổi danh với tay nghề làm chè lam ngon nhất, nhì làng Thạch tự hào: “Làm bánh chè lam phải cẩn trọng ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Thóc nếp phải là nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung, hạt to, đều, mẩy, làm sạch rồi phơi khô. Mật mía phải sạch, sáng, không lẫn tạp chất, rồi nấu lên cùng mạch nha thành một hỗn hợp dẻo và trong suốt... Ngay cả các gia vị cũng được chọn kỹ lưỡng để giữ đúng hương vị bánh”.

 
Công đoạn chặt bánh chè lam phải làm khéo léo và dứt khoát.
Công đoạn chặt bánh chè lam phải làm khéo léo và dứt khoát.
Nét đặc trưng của chè lam Thạch Xá chính là ở công đoạn rang bỏng. Trên ngọn lửa đỏ hồng, hạt thóc nếp nở bung thành những bông hoa bỏng trắng nõn, thơm lừng. Sảy sạch vỏ trấu, sàng hết bụi cám, bỏng được đem nghiền nhỏ thành bột mịn. Thế nhưng, những người thợ lành nghề làng Thạch bảo, khâu quan trọng nhất để chè lam ngon là khi “thắng” mật với mạch nha. Bởi, nếu đun lửa già làm mật bị khét thì bánh sẽ bị rắn, còn lửa non thì bánh sẽ bị nhão. Nồi mật khi sôi vàng óng ả, nhúng đũa vào thấy mật dính thành sợi mảnh mới đạt…

Vượt qua lũy tre làng

Làng Thạch vào những tháng cuối năm, hầu như gia đình nào cũng nổi lửa làm vài mẻ chè lam dùng trong ngày đông giá lạnh. Còn những hộ chuyên làm và kinh doanh thứ quà này thì tíu tít từ sáng đến tối mịt vì Tết cận kề, lễ hội ngấp nghé. Thu nhập từ nghề làm chè lam không bội thu, nhưng ổn định nên nhiều gia đình khá giả lên nhờ làm nghề. Ông Nguyễn Trí Thủy ở thôn 3 chia sẻ: “Ngày thường gia đình tôi chỉ làm từ 50 – 60kg, nhưng Tết, lễ hội thì làm gấp đôi do nhận được nhiều đơn đặt hàng. Với giá bán 50.000 đồng/kg, mỗi năm cũng thu lãi trên dưới 100 triệu đồng”.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Thạch Xá, làng Thạch có tới 60 – 70 hộ (trong số hơn 600 hộ) làm chè lam thường xuyên, Tết đến thì cả làng làm nghề. Mỗi năm, làng xuất ra thị trường trên 100 tấn chè lam. Bên cạnh loại bánh truyền thống như chè lam dây, chè lam múi bưởi, còn có thêm chè lam nhân thịt. Chè lam làng Thạch không chỉ còn quanh quẩn ở Hà Nội mà đã “đặt chân” tới nhiều tỉnh, thành và các khu du lịch trong cả nước.

Năm 2004, Thạch Xá đã được công nhận là làng nghề truyền thống, nhưng đến giờ, người làng Thạch vẫn chủ yếu làm bánh bằng phương pháp thủ công. Để tạo động lực phát triển làng nghề, liên kết các hộ sản xuất, tháng 6 năm ngoái, Hội làng nghề bánh chè lam Thạch Xá đã ra mắt với quyết tâm gìn giữ giá trị của sản phẩm truyền thống, tạo nền tảng để làng nghề phát triển bền vững. Người làng đang chờ đợi tháng 3 này, thương hiệu “Bánh chè lam làng Thạch” mà UBND xã Thạch Xá phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất đề xuất xây dựng từ năm 2013 sẽ chính thức được công bố rộng rãi. Đây sẽ là lời khẳng định cho tiếng thơm của chè lam làng Thạch bấy lâu.

 
“Có được thương hiệu, chắc chắn làng nghề sẽ nâng tầm phát triển, khách hàng sẽ tin tưởng và tiêu thụ nhiều hơn. Vì vậy, sau khi tiếp nhận thương hiệu, Hội sẽ quán triệt đến từng hội viên cần đề cao trách nhiệm trong sản xuất để đảm bảo chất lượng, cạnh tranh lành mạnh để giữ gìn và phát huy hơn nữa giá trị của thương hiệu" - ông Nguyễn Huy Động – Chủ tịch Hội làng nghề bánh chè lam làng Thạch.