Kết quả kinh doanh “đẹp như mơ”, tại sao không chia cổ tức?
Báo cáo tại ĐHCĐ, CEO Techcombank, ông Jens Lottner cho biết, năm 2021, ngân hàng đã đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 23.000 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2020. "Nhiều cổ đông sẽ đặt câu hỏi với kết quả kinh doanh như vậy thì giá cổ phiếu đã được phản ánh đầy đủ hay chưa. Tôi cho rằng chưa phản ánh đầy đủ"- ông Jens Lottner nói.
Cổ đông đánh giá những kết quả mà HĐQT đưa ra ở đây là “rất tốt đẹp”, là những con số “trong mơ”. Tuy nhiên, cổ đông này thắc mắc, trong bối cảnh nhiều ngân hàng đã “chốt” chia cổ tức cho cổ đông, còn Techcombank vẫn “xin” giữ lại cổ tức để tăng tiềm lực. “Vậy, không biết Techcombank muốn mơ đến đâu, tăng là tăng cái gì và tăng như thế nào nữa? Trong giấc mơ của Techcombank có nghĩ đến lợi ích của cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ không?”- cổ đông chất vấn.
Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng cũng sẽ đề xuất với cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2021. Cụ thể, sau khi trích 2.408 tỷ đồng cho các quỹ bổ sung vốn điều lệ, dự phòng tài chính và quỹ phúc lợi, lợi nhuận còn lại của năm 2021 là gần 13.394 tỷ đồng. Cộng với hơn 26.743 tỷ đồng chưa sử dụng của các năm trước, Techcombank sẽ có khoản lợi nhuận có thể phân phối lên tới gần 40.137 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng tiếp tục đề xuất với cổ đông không chia lợi nhuận để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Techcombank thông tin, Techcombank đã đi qua chặng đường dài. Quan điểm nhất quán của Techcombank là luôn luôn củng cố vốn và tiềm lực pcho hát triển kinh doanh. Cổ đông thắc mắc, tại sao lợi nhuận rất tốt, tại sao lại giữ nhiều vốn như vậy”. Thực tế, thời gian qua, các chỉ số hoạt động của Techcombank rất tốt, nhất là các chỉ số quản trị rủi ro”- Chủ tịch Techcombank cho biết.
Để phát triển trong tương lai, Techcombank có thể phát hành trong tương lai để tăng thêm vốn để phát triển. Chi cổ tức bằng tiền mặt và tăng thêm vốn để phát triển- theo ông Hùng Anh là bài toán được đặt lên bàn cân. Chia hay không chia phụ thuộc vào chiến lược phát triển của ngân hàng. “Và tất cả đều mang lại lợi ích cho cổ đông. Phát hành ra bên ngoài cũng mang lợi lợi nhuận cho cổ đông”- ông Hùng Anh nói.
Năm 2021, chi phí huy động vốn của Techcombank luôn giữ được thấp nhất thị trường khi ngân hàng nâng được tỷ lệ CASA lên mức kỷ lục trên 50%. Trong bối cảnh thách thức khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, chất lượng tài sản của Techcombank được kiểm soát ở mức tốt, nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường, chỉ 0,7%. Bao phủ nợ xấu đạt 163%.
Ngân hàng ghi nhận thu nhập từ dịch vụ tăng trưởng rất tốt trong năm qua. Nguồn thu này giúp không bị phụ thuộc vào việc NHNN cấp cho Techcombank hạn mức tín dụng bao nhiêu. "Chúng tôi đang có nền tảng vốn mạnh mẽ, thanh khoản dẫn đầu thị trường. Tỷ lệ an toàn vốn của Techcombank rất cao, CAR đạt 15% cao hơn nhiều so với yêu cầu 8%"- CEO Techcombank nói.
Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện những gì mà ngân hàng đang làm tốt, chẳng hạn phân khúc dành cho khách hàng thu nhập cao, thu nhập khá. Techcombank cũng sẽ phát triển hệ sinh thái giúp đa dạng hoá thu nhập, tối ưu hoá tiềm năng tăng tưởng của Techcombank.
5 năm qua, Techcombank không có vấn đề gì với cho vay bất động sản
Đánh giá về các động thái nhằm minh bạch thị trường tài chính, thị trường bất động sản của Chính phủ và các cơ quan chức năng thời gian qua, đại diện HĐQT Techcombank cho rằng là cần thiết để thanh lọc thị trường, đề cao các DN làm ăn tốt. Tuy nhiên, không phải vì thế mà thị trường bất động sản hay tín dụng bất động sản giảm bớt sự hấp dẫn. “Cách chúng tôi quản trị rủi ro với tín dụng bất động sản hay trái phiếu DN là rất đáng tin cậy. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cuộc làm việc, kiểm toán, thanh kiểm tra Techcombank về lĩnh vực này nhưng không phát hiện vấn đề này. Chúng tôi khẳng định, 5 năm qua, Techcombank không có vấn đề gì với cho vay bất động sản”- ông Jens Lottner- CEO Techcombank nhấn mạnh.
Năm 2021, danh mục cho vay bất động sản với các DN lớn tại Techcombank giảm 5%. Ngược lại, ngân hàng chú trọng vào bán lẻ, vào những khách hàng cá nhân có nhu cầu thực, khả năng trả lợ tốt.
Bổ sung thêm về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết, trong một đất nước đang phát triển như Việt Nam, việc đầu tư vào bất động sản là rất bình thường. Nếu Dự án đó tốt, pháp lý rõ ràng, không nằm trong khu vực đẩy giá, đâù cơ, dự án tạo công ăn việc làm cho người dân, tôi nghĩ không có vấn đề gì. Và Techcombank chọn các Dự án, các khách hàng tốt như vậy để cho vay. “Chúng tôi không chọn những dự án có hành vi đầu cơ, không mang lại giá trị. Còn việc cấp tín dụng cho các Dự án tốt, pháp lý đầy đủ, vừa mang lại thu nhập cho người dân, cho ngân sách, cho phát triển, hoàn toàn hợp lý”- ông Hùng Anh cho hay.
Năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với mức thực hiện năm 2021. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu thấp hơn 1,5%.