Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Di chúc để lại căn nhà đang ở cho con út được không?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Câu hỏi:

“Gia đình tôi có 5 người con, mẹ tôi là người đứng tên trên sổ đỏ. Mẹ tôi muốn viết di chúc để lại căn nhà đang ở cho con út thì có cần phải có sự đồng ý của các người con còn lại hay không?” - ông Nguyễn Văn Ngọc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”

Như vậy, có thể thấy di chúc là  sự thể hiện ý chí của một người có tài sản và muốn để tài sản của mình cho người khác sau khi người đó chết. Có thể khẳng định rằng, di chúc là ý chí của riêng người để lại tài sản mà không phụ thuộc vào các cá nhân nào.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo.

Điều 625 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về người lập di chúc như sau: Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Bên cạnh đó Điều 626 Bộ Luật dân sự 2015 cũng quy định người lập di chúc có các quyền sau: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Nếu quyền sử dụng đất là tài sản riêng của mẹ bạn thì khi lập di chúc mẹ bạn có toàn quyền định đoạt tài sản của mình. Do đó, khi lập di chúc, người mẹ không cần có sự đồng ý của các con. Việc quyết định ai là người được hưởng di sản thừa kế và hưởng phần di sản thừa kế như thế nào hoàn toàn vào ý chí của mẹ.

Trường hợp của gia đình bạn, di sản thừa kế là quyền sử dụng đất và nhà trên đất, bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu của Bộ Luật dân sự 2013 về di chúc, Luật Đất đai năm 2013 còn quy định rõ về quyền sử dụng đất phải được công chứng. Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 có quy định về việc công chứng liên quan chuyển nhượng quyền sử dụng đất như sau: Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.

Theo thông tin bạn cung cấp quyền sử dụng đất đứng tên mẹ bạn thì mẹ bạn có quyền để lại di chúc cho người con út mà không cần sự đồng ý của các con khác.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn