Dịch Covid-19 bùng phát tại châu Á: Nam Á có thể là tâm chấn mới

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều quốc gia châu Á đang phải vật lộn để ngăn chặn những đợt bùng phát mới do các biến thể của virus SARS-CoV-2 và thái độ chủ quan trong phòng dịch. Trong đó, Nam Á, với điểm nóng Ấn Độ, được cảnh báo có thể trở thành tâm chấn mới của đại dịch Covid-19.

Theo số liệu ngày 27/4 của Bộ Y tế Ấn Độ, nước này ghi nhận 323.144 ca nhiễm Covid-19 mới, đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp có số ca bệnh vượt trên 300.000. Hiện nước này có hơn 17 triệu người nhiễm virus và gần 200.000 ca tử vong, sau khi có thêm 2.771 bệnh nhân đã thiệt mạng trong 24 giờ qua. Riêng tại thủ đô New Delhi, với trung bình hơn 350 trường hợp tử vong/ngày trong thời gian gần đây, thành phố này đang ngày càng có ít không gian để hỏa táng người chết. Hiện các cơ sở mới, kể cả tạm thời, đều phải cơi nới để tiếp nhận số lượng bệnh nhân tử vong ngày càng tăng trong đại dịch.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 hôm 27/4 ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Rafiq Maqbool
“Tình hình ở Ấn Độ quá đỗi đau lòng”, Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói trong cuộc họp báo hôm 26/4, đồng thời cho biết WHO đang cử thêm nhân viên và vật tư y tế, bao gồm cả máy tạo oxy, đến hỗ trợ Ấn Độ. Trước đó, Nhà Trắng cho biết Mỹ đang nỗ lực để triển khai các bộ dụng cụ thử nghiệm, máy thở và thiết bị bảo vệ cá nhân tới quốc gia Nam Á, đồng thời sẽ cung cấp các nguồn nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất vaccine cho Viện Huyết thanh của Ấn Độ. Đức, Anh, cùng nhiều DN lớn của Mỹ, Nga cũng đã tham gia vào nỗ lực cứu trợ khẩn cấp cho New Delhi.

Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng sự hỗ trợ lúc này dường như là quá muộn, khi nền y tế Ấn Độ đã "vỡ trận" chính bởi sự chủ quan rõ ràng. Chỉ mới 3 tháng trước, tại một cuộc họp ảo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thủ tướng Narendra Modi mạnh mẽ khẳng định chiến thắng của Ấn Độ trước dịch bệnh Covid-19. Vào tuần thứ 2 của tháng 3, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ tuyên bố đất nước đang ở “giai đoạn cuối” của đại dịch. Trong khi đó, các bệnh nhân nhập viện ở Ấn Độ lúc bấy giờ có xu hướng trẻ và ốm nặng hơn nhiều so với trước đây, khiến các chuyên gia y tế từng cảnh báo rằng Ấn Độ như đang ngồi trên “một quả bom hẹn giờ”.

Đáng chú ý, Udaya Regmi - Trưởng phái đoàn Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) tại Nam Á cảnh báo, tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 trong khu vực đang “thực sự đáng sợ”, có thể khiến Nam Á trở thành “tâm chấn mới của đại dịch tiếp sau Mỹ”. “Hơn 1,5 triệu người nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan cộng lại lúc này đang gấp 50 lần số người bị bệnh cách đây một tháng” - ông Regmi cho biết, “đây là một cảnh báo bi thảm cho tất cả các quốc gia, rằng mọi nỗ lực phải được duy trì và chúng ta không thể cảm thấy bình thường với việc sống cùng dịch bệnh chết người này”.

Làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Ấn Độ lúc này sẽ là bài học cho nhiều quốc gia khác trong châu Á nói chung cũng đang phải đối phó với các đợt lây nhiễm mới, đặc biệt là tại Đông Nam Á, với nhiều quốc gia vốn được coi là hình mẫu chống dịch thành công thời gian qua.

Sau khi kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt vào năm 2020 và đã lên kế hoạch mở cửa trở lại cho khách du lịch, Thái Lan hiện phải tái áp đặt các hạn chế mới, bao gồm đóng cửa trường học, quán bar và nhà hàng, đồng thời thiết lập các bệnh viện dã chiến, nhằm chống chọi với đợt bùng phát tồi tệ nhất từ trước đến nay, với kỷ lục ngày 2.179 ca nhiễm mới hôm 27/4. Ngày 26/4, Lào lần đầu ghi nhận số ca mắc mới ở mức 3 con số, trong khi Campuchia vượt ngưỡng 10.000 bệnh nhân Covid-19, buộc Chính phủ phải gia hạn phong tỏa ở Phnom Penh và Ta Khmao. Trong khi đó, những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch đầu tiên như Indonesia, Malaysia và Philippines cũng chưa thể kiểm soát đà lây lan của virus, với điểm nóng Philipines đã mốc 1 triệu ca - tăng gấp đôi chỉ trong 3 tháng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần