Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp: Các tỉnh miền Tây liên tục “đổi màu, tăng nhiệt”

HỒNG DUY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang đương đầu với dịch bệnh diễn biến phức tạp, những ổ dịch liên tiếp phát hiện khiến nhiều tỉnh không còn “vùng xanh”.

Ngày 10/11, Sở Y tế Hậu Giang thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 của tỉnh (cập nhật đến 7 giờ ngày 10/11) với số lượng địa bàn cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao) và cấp độ 4 (vùng đỏ, nguy cơ rất cao) đều tăng.

Theo thông báo, toàn tỉnh Hậu Giang vẫn ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình). Trong 75 đơn vị cấp xã của tỉnh, có 58 xã (390 ấp) ở cấp độ 2, 5 xã (24 ấp) là địa bàn cấp độ 3, 12 xã (111 ấp) ở cấp độ 4. Các xã, ấp mới nâng cấp độ dịch (từ cấp 2 lên cấp 3 hoặc cấp 4), từ 7 giờ ngày 12/11 sẽ thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng theo từng cấp độ dịch quy định tại quyết định và công văn mà UBND tỉnh đã ban hành trước đó.

Hậu Giang là một trong những địa phương ở miền Tây hiện không còn vùng xanh ở cấp xã (Ảnh: Hào Duy).

Cùng ngày, Chủ tich UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ký văn bản về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch rên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu mọi người dân hạn chế tối đa việc ra đường khi không cần thiết, nhất là việc ra đường từ 21 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Chấp hành tốt các yêu cầu, quy định về công tác phòng chống dịch nhất là việc tham gia lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch khi được yêu cầu.

Các hàng quán, nhất là các quán giải khát, quán ăn uống, cơ sở kinh doanh phục vụ tại chỗ thức uống có cồn không được kinh doanh sau 21 giờ, thời gian thực hiện từ ngày 10/11 đến khi có văn bản thông báo cụ thể.

Theo quyết định cấp độ dịch của tỉnh Bạc Liêu, hiện cấp tỉnh thuộc cấp 3 (nguy cơ cao). Đối với cấp huyện, áp dụng cấp độ 4 - nguy cơ rất cao (vùng đỏ) đối với TP Bạc Liêu và thị xã Giá Rai. Áp dụng cấp độ 3 - nguy cơ cao đối với huyện Đông Hải. Áp dụng cấp độ 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng) với huyện Hòa Bình, huyện Hồng Dân, huyện Vĩnh Lợi, huyện Phước Long.

Như vậy, ở Hậu Giang và Bạc Liêu đã không còn “vùng xanh” (cấp 1, bình thường mới) ở cấp xã. Tương tự, từ 0 giờ ngày 10/11, tỉnh Cà Mau cũng không còn vùng xanh ở cấp xã. Cụ thể, toàn Cà Mau có 9 xã vùng đỏ, 31 xã vùng cam và 61 xã vùng vàng.

Tuyến y tế cơ sở quá tải

Tại TP Cần Thơ, những ngày qua liên tục ghi nhận hàng trăm ca F0 mỗi ngày. Sở Y tế Cần Thơ đã hoàn thành kế hoạch thí điểm điều trị, cách ly F0 không triệu chứng tại nhà và đang chờ lãnh đạo TP phê duyệt. Hiện năng lực tiếp nhận F0 tại các bệnh viện của Cần Thơ ở mức trên 3.500 trường hợp.

“Tốc độ mở rộng bệnh viện dã chiến sẽ không kịp so với tốc độ F0 gia tăng và cũng không thực sự cần thiết. Hơn nữa, đa số người dân Cần Thơ đã được tiêm mũi 1 nên lượng virus không cao và không ảnh hưởng đến tính mạng hay khả năng điều trị, thu dung tại các cơ sở. Sở Y tế Cần Thơ cũng đã củng cố tại các tuyến y tế cơ sở các thiết bị như bình oxy, thiết bị đo oxy trong máu…” - ông Phạm Phú Trường Giang – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Cần Thơ cho biết.

Cũng theo ông Giang, việc triển khai thí điểm điều trị, cách ly F0 tại nhà đang gặp bài toán khó về nhân lực y tế. Hiện ngành y tế Cần Thơ có khoảng 6.000 nhân lực, trong đó có khoảng 3.000 người đang tham gia điều trị Covid-19, khoảng 2.000 đang tham gia các công tác chăm lo sức khỏe người dân, số còn lại tham gia vào công tác truy vết.

“Việc quá tải trong công tác điều trị, truy vết dịch là điều đang diễn ra. Ngành đang xin chỉ đạo hỗ trợ thêm từ Thành ủy, xin hỗ trợ nguồn lực thêm từ quân đội, sinh viên để bổ sung nguồn nhân lực cho các trạm y tế lưu động, giảm bớt gánh nặng cho y tế địa phương”, ông Giang nói và cho biết Cần Thơ cần thêm từ 300 - 400 người để bổ sung cho nguồn lực y tế của TP trong giai đoạn này.

Sóc Trăng quyết tâm trong khoảng 10 ngày tới sẽ phủ vaccine mũi 2 ngừa Covid-19 cho người dân (Ảnh: Vũ Phong).

Còn tại Sóc Trăng, ông Trần Văn Khải – Giám đốc Sở Y tế tỉnh này cho hay, tỉnh đang triển khai từng bước các giải pháp chống dịch theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế gồm: Cách ly, điều trị F0 tại nhà và thành lập các trạm y tế lưu động.

Theo ông Khải, ngành y tế tỉnh hiện có khả năng tiếp nhận và điều trị cho khoảng 4.500 F0. Tình hình dịch ở Sóc Trăng hiện đang rất phức tạp, tỉnh cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp để có thể ứng phó được. Hiện trong công tác điều trị dịch bệnh có Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tham gia hỗ trợ cho tỉnh.

Về công tác tiêm vaccine ngừa Covid-19, tỉnh nhận được sự hỗ trợ của Quân khu 9 và TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y dược Cần Thơ, tổng số nhân lực được hỗ trợ là 300 người. “Sóc Trăng hiện đã được phân bổ đủ vaccine mũi 2 và quyết tâm trong khoảng 10 ngày tới sẽ tổ chức tiêm cho các trường hợp được tiêm chủng theo quy định” - ông Khải nói.