Các lực lượng vũ trang Nga hiện đang nỗ lực giành quyền kiểm soát khu vực phía Đông Nam Ukraine, trong khi quân đội Ukraine tiếp tục phản công dữ dội với sự hỗ trợ vũ khí từ phương Tây.
Theo Reuters, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 3/6 cho biết Nga đã đạt được một số kết quả nhất định trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu đề ra.
Ông Peskov lưu ý thêm rằng việc bảo vệ người dân ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng là mục tiêu chủ chốt và “các biện pháp liên quan đang được thực hiện”.
Dưới đây là một số sự kiện chính trong cuộc xung đột Nga - Ukraine tính đến thời điểm hiện tại:
Ngày 24/2: Nga khai màn chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine trong cuộc xung đột lớn nhất ở một quốc gia châu Âu kể từ Thế chiến II. Hàng chục ngàn người Ukraine đi sơ tán.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt được tiến hành nhằm "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa Ukraine".
Ngày 25/2: Lực lượng Ukraine đối phó với cánh quân Nga ở phía Bắc, Đông và Nam. Pháo dội xuống các mục tiêu ở Kiev và vùng ngoại ô.
Ngày 1/3: Một quan chức Mỹ cho biết đoàn quân dài hàng dặm của Nga tiến về Kiev đang gặp các vấn đề về hậu cần.
Nga tấn công một tháp truyền hình ở Kiev, tăng cường hỏa lực nhằm vào Kharkiv ở phía Đông Bắc và các thành phố khác.
Ngày 2/3: Lực lượng quân đội Nga bắt đầu bao vây thành phố cảng Mariupol, Đông Nam Ukraine. Thành phố này giữ vai trò quan trọng trong nỗ lực của Moscow nhằm kết nối khu vực phía Đông Donbass với Crimea - bán đảo trên Biển Đen được sáp nhập vào Nga từ năm 2014.
Quân đội Nga tiến vào Kherson - đô thị lớn đầu tiên mà Ukraine mất quyền kiểm soát. Theo số liệu từ cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc, tính đến ngày 2/3, khoảng 1 triệu người đã chạy khỏi Ukraine.
Ngày 4/3: Lực lượng Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bác bỏ lời kêu gọi của Ukraine về việc áp đặt vùng cấm bay, với lý do việc này sẽ làm leo thang cuộc xung đột.
Ngày 8/3: Thường dân sơ tán khỏi thành phố Sumy, Đông Bắc Ukraine, thông qua hành lang nhân đạo đầu tiên mà Moscow và Kiev đạt được thỏa thuận. Đến thời điểm này, 2 triệu người đã rời khỏi Ukraine.
Ngày 25/3: Nga báo hiệu chuyển hướng tập trung vào việc giành lợi thế quân sự ở phía Đông Ukraine, trong khi các lực lượng Ukraine nỗ lực giành lại các thị trấn bên ngoài Kiev.
Ngày 30/3: Đến thời điểm này, hơn 4 triệu người đã rời khỏi Ukraine
Ngày 3/4: Ukraine cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ hàng trăm thi thể được tìm thấy ở thị trấn Bucha gần thủ đô Kiev. Điện Kremlin phủ nhận trách nhiệm và cho biết đây là vụ việc được dàn dựng.
Ngày 8/4: Ukraine đổ lỗi Nga tấn công tên lửa nhằm vào một ga tàu ở Kramatorsk. Phía Moscoww phủ nhận cáo buộc của Kiev.
Ngày 14/4: Soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga bị chìm sau khi bốc cháy. Ukraine nói tàu chiến Nga trúng tên lửa, nhưng Moscow khẳng định nguyên nhân tàu chìm là do nổ kho đạn.
Ngày 21/4: Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Mariupol "được giải phóng" sau gần 2 tháng bị bao vây, nhưng hàng ngàn binh sĩ Ukraine và Tiểu đoàn Azov vẫn đang cố thủ bên trong nhà máy thép Azovstal.
Ngày 28/4: Thủ đô Kiev của Ukraine hứng 2 tên lửa khi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đang có chuyến thăm. Điện Kremlin cáo buộc Ukraine tấn công các khu vực của Nga gần biên giới.
Ngày 1/5: Khoảng 100 dân thường Ukraine được sơ tán khỏi nhà máy thép Azovstal.
Ngày 9/5: Quân đội Nga tổ chức duyệt binh hoành tráng mừng Ngày Chiến thắng. Tổng thống Putin có bài phát biểu quan trọng, nhưng không tuyên bố về kế hoạch mở rộng chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ngày 12/5: Đến thời điểm này, hơn 6 triệu người đã rời khỏi Ukraine.
Ngày 18/5: Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO sau khi chứng kiến xung đột ở Ukraine.
Ngày 20/5: Nga thông báo những chiến binh Ukraine cuối cùng ở nhà máy thép Azovstal, TP cảng Mariupol đã đầu hàng. Vài giờ trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết quân đội nước này đã nói với lực lượng ở nhà máy Azovstal rằng họ có thể ra ngoài để cứu lấy mạng sống của mình.
Ngày 21-22/5: Nga mở cuộc tiến quân vào Luhansk - một trong 2 tỉnh ở Donbass, tập trung vào 2 thành phố Sloviansk và Sievierodonetsk.
Ngày 29/5: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố việc giải phóng Donbass là "ưu tiên vô điều kiện" đối với Moscow, trong khi các lực lượng Nga dường như sắp giành được toàn bộ khu vực Luhansk.
Ngày 31/5: Các quan chức địa phương cho biết không còn khả năng sơ tán dân thường bị mắc kẹt ở Sievierodonetsk, nơi các lực lượng Ukraine vẫn đang cầm cự, vì phần lớn thành phố nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Ngày 1/6: Nga chỉ trích quyết định của Mỹ trong việc cung cấp các hệ thống tên lửa hiện đại cho Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng xung đột có thể leo thang và tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Moscow và Washington.
Ngày 2/6: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây viện trợ thêm vũ khí để giành ưu thế trong cuộc xung đột.
Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 6 áp đặt với Nga, trong đó có giảm dần lượng dầu nhập khẩu từ Nga và loại thêm một số ngân hàng nước này ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Ngày 3/6: Ukraine tuyên bố không có kế hoạch sử dụng các hệ thống tên lửa nhận được từ Mỹ để tấn công các cơ sở ở Nga.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết, sau 100 ngày phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga đã không đạt được các mục tiêu ban đầu là giành quyền kiểm soát Kiev, nhưng đạt được thành công về mặt chiến thuật ở Donbass.