Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm mặt một số trường học ở Hà Nội vẫn “tẩy chay” thịt lợn

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù các chuyên gia y tế đã khẳng định, bệnh tả lợn châu Phi không lây lan sang người và người dân không nên “tẩy chay” thịt lợn, song đến nay, một số trường mầm non chủ yếu là trường tư thục, trường ngoài công lập vẫn tiếp tục tạm dừng sử dụng thịt lợn trong bữa ăn.

Điểm mặt một số trường học ở Hà Nội vẫn “tẩy chay” thịt lợn - Ảnh 1
Ngày 6/3, hệ thống trường Mầm non Lá Phong Xanh phát đi thông báo với phụ huynh học sinh về việc điều chỉnh thực đơn. Theo thông báo, hiện nay dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát mạnh. Mặc dù công ty chuyên cung cấp thực phẩm cho trường MN Lá Phong Xanh đã có bản cam kết về nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để phòng chống dịch bệnh và bảo vệ sức khoẻ cho các con, nhà trường sẽ cho các con tạm dừng ăn thịt lợn và điều chỉnh thực đơn trong thời gian này.
Cụ thể: Các món ăn chế biến từ thịt lợn sẽ được thay thế bằng các thực phẩm khác như (thịt gà, thịt bò, tôm, cá…) Thời gian thay đổi: Từ thứ 5 ngày 7/3/2019 đến khi hết dịch bệnh. Trên fanpage nhà trường, thông báo này được nhiều phụ huynh đồng tình, ủng hộ.

Ngày 11/3, trường Mầm non tư thục Tuổi Thơ Tài Năng (số 7/56/221 Tôn Đức Thắng, phường Thổ Quan, quận Đống Đa) cũng thông báo về việc thay đổi thực đơn cho học sinh. Mặc dù nhà trường khẳng định, công ty cung cấp thực phẩm cho trường có cam kết về nguồn gốc thịt lợn, nhà trường cũng cho rằng không nên “tẩy chay” thịt lợn nhưng để đảm bảo sức khỏe cho các con và tránh tình trạng nhiều phụ huynh lo ngại, trường sẽ hạn chế đưa thịt lợn vào thực đơn.

Cũng trong ngày 11/3, trường Mầm non Mimi (quận Bắc Từ Liêm) quyết định tạm dừng sử dụng thịt lợn trong thực đơn bắt đầu từ ngày 13/3 đến khi hết dịch.

Trước đó, Hiệu trưởng trường Mầm non Đống Đa (quận Đống Đa) Nguyễn Thị Bích Liên xác nhận, nhà trường tạm dừng sử dụng thịt lợn trong bữa ăn của trẻ. Món ăn này được thay thế bằng các thực phẩm như tôm, bò, gà, trứng… để đảm bảo trẻ vẫn có đủ dinh dưỡng cần thiết.

"Về nguyên tắc, tất cả các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản mắc bệnh đều phải tiêu hủy để tránh gây bệnh. Để bảo đảm an toàn, người tiêu dùng nên mua các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là phải nấu chín kỹ thịt trước khi dùng. Bởi lẽ, virus ASFV gây bệnh dịch tả lợn châu Phi chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C" - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ.