Điểm nhấn công nghệ tuần: Báo chí phải đồng hành với công nghệ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ”: Nhận diện rõ cơ hội và thách thức; Phần mềm chuyển giọng nói thành văn bản nhận giải Nhất Nhân tài Đất Việt 2019; Tên miền Zalo.vn tạm ngừng hoạt động... là nội dung chú ý tuần qua.

Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ”: Nhận diện rõ cơ hội và thách thức
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ” diễn ra tại Hà Nội hôm 13/11.

 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chứng kiến lễ ký kết dự án phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đi kèm với những khó khăn, công nghệ số cũng mang những lợi ích lớn, đây chính là cơ sở quan trọng để tạo ra "vụ nổ Big Bang" trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, báo chí Việt Nam đang đi sau thế giới về công nghệ.
Thời đại kỹ thuật số đang tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển khi có thể tiếp cận với kho dữ liệu khổng lồ và các nguồn tin đa dạng chỉ bằng vài cái kích chuột. Nhưng phải đổi mới bằng cách nào? Ai sẽ dẫn đầu cuộc đổi mới công nghệ trong báo chí? Ai sẽ mang lại được nguồn lực tài chính cần thiết, quan trọng hơn là mô hình hợp tác, chia sẻ nội dung cũng như doanh thu mà nhiều cơ quan báo chí đang trăn trở? Bộ trưởng Bộ TT&TT đặt ra hàng loạt câu hỏi dành cho các cơ quan báo chí trong nước.
Ứng dụng các công nghệ mới không hề phức tạp, vì chúng sẽ giúp việc làm báo trở nên đơn giản hơn. Và để triển khai thuận lợi quá trình chuyển đổi số cho báo chí, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các DN công nghệ. "Việc này cũng rất dễ dàng tiến hành bởi Việt Nam không thiếu những công ty công nghệ số mạnh và một vài đơn vị trong số đó sẵn sàng trợ giúp báo chí đưa công nghệ mới vào làm báo" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Các DN số không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông, CNTT, hạ tầng điện toán đám mây mà còn có thể phát triển những ứng dụng và đặc biệt là nền tảng dùng chung cho các cơ quan báo chí. Có thể kể ra những cái tên tiêu biểu như Viettel, CMC hay Yeah1. Riêng về Viettel và CMC, 2 đơn vị này có cả một đội ngũ riêng biệt để phát triển hạ tầng cũng như ứng dụng cho báo chí.
Công nghệ số sẽ thay đổi báo chí và ảnh hưởng đến báo chí trong một chặng đường dài. Nhưng báo chí cần phải thay đổi, trước khi công nghệ chuyển sứ mạng cho một lực lượng thay thế khác, người đứng đầu ngành TT&TT kỳ vọng.
Nói về sức ép của quá trình chuyển đổi số với báo chí, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc đã đưa ra một số cảnh báo đáng suy nghĩ về nguồn thu của các cơ quan báo chí. Cụ thể, trong năm 2018, số lượng phát hành, quảng cáo của báo in và báo điện tử đã tiếp tục giảm so với một năm trước đó. Thị phần quảng cáo trực tuyến đang có tới 70% được nắm giữ bởi các DN xuyên biên giới như Facebook, Google. Chỉ trong vòng 10 các đơn vị báo chí đã mất khoảng 50% thị phần quảng cáo.
Xu hướng hiện nay của DN là chọn những kênh quảng cáo có đông lượng người truy cập như Facebook, Google... do đó nguồn thu của các cơ quan báo chí nhiều khả năng sẽ ngày càng bị thu nhỏ lại, thậm chí có những đơn vị còn không có cả nguồn thu. Từ đó dẫn tới một số cơ quan báo chí quay ra sản xuất nội dung cho Google để kiếm quảng cáo. Do vậy xu hướng báo chí "câu view", thường xuyên khai thác thông tin giật gân, đánh đấm... lại được dịp lên ngôi.
Dự đoán về xu hướng công nghệ mới đang được nhiều tờ báo lớn trên thế giới ứng dụng và thích hợp để triển khai ở Việt Nam, ông Lê Quốc Minh cho rằng đó là cập nhật thông tin qua các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói. Trong những năm tới, các thiết bị dạng này được dự kiến sẽ thay thế máy tính, smartphone để trở thành công cụ theo dõi báo chí chính của bạn đọc.
Song song với việc ứng dụng công nghệ mới vào tác nghiệp, bảo mật cũng là vấn đề cần nhận được sự quan tâm trọng điểm của các cơ quan báo điện tử trong thời đại công nghệ số. Theo Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Huy Dũng, do có lượng người xem cao, ấn phẩm trực tuyến của các cơ quan báo chí luôn là đích ngắm ưa thích và được ưu tiên bởi tin tặc.
Càng có nhiều công nghệ mới được áp dụng, việc bảo đảm an toàn thông tin phải càng được các cơ quan báo chí nâng cao. "Một trong những giải pháp cần thiết là nên đồng hành cùng các công ty công nghệ để phòng ngừa rủi ro mà tin tặc có thể mang lại và Liên minh Xử lý mã độc và phòng, chống tấn công mạng Việt Nam là lựa chọn thích hợp.
Phần mềm chuyển giọng nói thành văn bản nhận giải Nhất Nhân tài Đất Việt 2019
Phần mềm tự động chuyển đổi tiếng nói tiếng Việt sang văn bản (gọi tắt là Origin-STT) của nhóm tác giả Đỗ Quốc Trình, thuộc nhóm Sản phẩm Số Triển vọng đến từ công ty Công ty TNHH Hệ thống trí thông minh nhân tạo Việt Nam (VAIS) đã được vinh danh giải Nhất Nhân tài Đất Việt 2019.
  Trao thưởng giải nhất cho nhóm tác giả
Phần mềm này có khả năng chuyển đổi giọng nói thành văn bản với sai số rất thấp, độ chính xác lên tới 93,6%. Trong hoảng cách 2m cho độ chính xác lên đến 98% và từ 3 - 5m độ chính xác còn 95%. Đặc biệt, Origin - STT có khả năng nhận diện cả ba giọng nói Bắc - Trung - Nam.
Có khả năng nhận dạng khoảng 7.000 từ tiếng Việt, Origin-STT thực sự là phần mềm giúp tiết kiệm thời gian, công sức tối đa.
Origin-STT tiết kiệm tối thiểu 10 lần thời gian, công sức nghe lại audio và gõ lại văn bản (gỡ băng) sau các phiên họp của hàng vạn cuộc họp trong cả nước trong một năm, trong đó có kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra.
2 giải Nhì của lĩnh vực CNTT, giải thưởng Nhân tài đất Việt năm nay thuộc về Giải pháp bảo mật toàn diện cho hệ thống camera an ninh của nhóm tác giả Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội; Đài Truyền hình 4.0 - Gostudio của nhóm tác giả Công ty Cổ phần Công nghệ GoStream. Ngoài ra, lĩnh vực CNTT còn có 4 giải Ba và 4 giải Khuyến khích.
Với chủ đề "Sức mạnh Công nghệ Số", năm nay, giải thưởng Nhân tài đất Việt, lĩnh vực CNTT đã có tổng cộng 418 sản phẩm dự thi với 3 hệ thống: Sản phẩm CNTT Kết nối - Di động; Sản phẩm CNTT Khởi nghiệp; Sản phẩm Số triển vọng.

Năm 2019, Giải thưởng Nhân tài đất Việt tiếp tục tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh các tài năng trong lĩnh vực Môi trường. Giải Nhất lĩnh vực Môi trường năm nay cho công trình nghiên cứu “Môi trường các làng nghề Việt Nam” của GS, TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Giải Nhất lĩnh vực Y dược năm nay dành cho hai công trình khoa học: “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tim mạch” của Trung tâm Tim mạch thuộc Bệnh viện E- Bộ Y tế, đại diện nhóm tác giả là GS, TS Lê Ngọc Thành và cụm công trình khoa học “Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh ổ bụng” của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; tác giả là Thầy thuốc Nhân dân, GS, TS Trần Bình Giang.
Giải Nhì giải Y dược năm nay cho công trình khoa học “Nghiên cứu phẫu thuật u nền sọ trước qua nội soi” của Khoa Tai Mũi Họng thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, đại diện nhóm tác giả là TS, BS Ngô Văn Công.
Giải Nhất lĩnh vực Khoa học Công nghệ cho công trình “Nghiên cứu cải tiến xe thiết giáp bánh lốp BTR - 152 thành xe thiết giáo cứu thương phục vụ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình” của TS Trần Hữu Lý, Viện kỹ thuật cơ giới quân sự - Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra, Nhân tài đất Việt năm nay còn có giải thưởng Tự học thành tài - Giải thưởng do Hội đồng Khoa học Hội Khuyến học Việt Nam tuyển chọn nhằm khuyến khích những tài năng từ tinh thần tự học, tự nghiên cứu đã nỗ lực vượt khó để tạo ra những sản phẩm, công trình mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư tại địa phương và các khu vực lân cận. 2 để án nhận giải này là sáng chế “Xử lý rác thải sinh hoạt thành hàng hóa” của ông Đỗ Chí Lệ; tại thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình; nơi thường trú: Phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình và sáng chế “Chế tạo máy ruôi sắn củ tươi TS 08” của ông Hà Kim Tới; tại Khu 8, xã Võ Lao, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
15 năm qua, Giải thưởng Nhân tài đất Việt đã để lại nhiều dấu ấn trên suốt chặng đường tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh tài năng ở các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Khoa học Công nghệ, Y dược, Môi trường và Khuyến tài.
Tên miền Zalo.vn tạm ngừng hoạt động
Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) vừa ra thông báo số 951/VNNIC về việc tạm dừng hoạt động đối với tên miền Zalo.vn của Công ty cổ phần VNG để các cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm cung cấp dịch vụ mạng xã hội Zalo không phép.
  Ảnh minh họa
VNNIC đã thông báo đến nhà đăng ký tên miền - Công ty TNHH Một thành viên Phần mềm iNET, để iNET biết và thực hiện việc gửi văn bản thông báo cho chủ thể đăng ký tên miền (Công ty cổ phần VNG). iNET cũng sẽ thực hiện các thủ tục để tạm ngừng tên miền Zalo.vn kể từ ngày 11/11 theo quy trình nghiệp vụ nhà đăng ký.
Việc tạm ngừng hoạt động đối với tên miền Zalo.vn được thực hiện căn cứ quy định tại điều 11 Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên internet.
Thời gian tạm ngừng tên miền Zalo.vn là 45 ngày, kể từ ngày 11/11. Hiện trang web Zalo.vn đã ngưng hoạt động, tuy nhiên, do Zalo hoạt động trên cả 2 tên miền Zalo.vn và Zalo.me, nên người dùng vẫn có thể truy cập vào Zalo.me bình thường để sử dụng ứng dụng chat. Ngoài ra, ứng dụng OTT zalo trên điện thoại vẫn hoạt động bình thường.
Trước đó, hồi tháng 6, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã gửi văn bản yêu cầu các nhà đăng ký và quản lý tên miền tại Việt Nam dừng cung cấp hai tên miền là Zalo.vn và Zalo.me. Lý do là Zalo.vn và Zalo.me lại hoạt động như mạng xã hội mà không có giấy phép.
Zalo xuất phát là một ứng dụng dạng OTT, cho phép gửi, nhận tin nhắn, gọi điện thông qua Internet nhưng gắn với số điện thoại cá nhân. Sau đó ứng dụng phát triển thêm các mục như trang thông tin cá nhân riêng, có thể đăng trạng thái, ảnh, video cũng như tương tác với bạn bè trực tiếp.
Hiện Zalo tiếp tục phát triển theo mô hình siêu ứng dụng tại Việt Nam. Người dùng có thể xem tin tức, mua sắm, dịch vụ giao đồ ăn nhanh, đặt xe... trực tiếp trên phần mềm này. Người dùng cũng có thể sử dụng phiên bản web của Zalo.
Hệ thống giám sát ATTT phục vụ Chính phủ điện tử khai trương vào 29/11
Theo thông tin từ Bộ TT&TT, việc khai trương Hệ thống giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử là một dịp khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác giám sát an toàn, an ninh mạng trong công cuộc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
 Ảnh minh họa
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc công tác giám sát an toàn thông tin mạng cho Chính phủ điện tử chỉ do Hệ thống giám sát tại Bộ TT&TT thực hiện. Hiện nay, giám sát an toàn thông tin mạng cho các hệ thống phục vụ Chính phủ điện tử là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành: TT&TT, Công an, Quốc phòng (Ban Cơ yếu Chính phủ).
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT, để đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống, dịch vụ CNTT phục vụ Chính phủ điện tử, giữa tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1017 phê duyệt “Đề án giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ CNTT phục vụ Chính phủ điện tử đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”.
Một mục tiêu của Đề án này là mở rộng phạm vi, nâng cao năng lực giám sát an toàn mạng, an toàn hệ thống thông tin cho Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia tại Bộ TT&TT và các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng Internet (ISP) để tăng cường khả năng phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời, chính xác về các sự kiện, sự cố, dấu hiệu, hành vi, mã độc xâm phạm, nguy cơ, điểm yếu, lỗ hổng có khả năng gây mất an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử.
Tại Đề án, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phải nâng cao tính hệ thống, đồng bộ và chuẩn hóa công tác giám sát an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử trên phạm vi cả nước; tăng cường hiệu quả, khả năng phát hiện, ứng phó tấn công, sự cố an toàn thông tin mạng, hướng tới xây dựng hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử bền vững.
Đồng thời, thiết lập được mạng lưới hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng trên toàn quốc, đảm bảo liên kết, liên thông, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa giám sát tập trung của Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia, giám sát của các nhà mạng ISP và giám sát cơ sở của chủ quản các hệ thống thông tin.
Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, thời gian qua, Cục An toàn thông tin đã triển khai các công tác chuẩn bị, đến nay đã đáp ứng được về phương án, hệ thống thiết bị cũng như con người để sẵn sàng khai trương Hệ thống giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử trong khuôn khổ Ngày An toàn thông tin Việt Nam vào 29/11/2019 sắp tới.