Điểm nổi bật của sách giáo khoa mới lớp 3, lớp 7, lớp 10

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Năm học 2022- 2023, học sinh lớp 3, lớp 7, lớp 10 sẽ học Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; tương ứng với bộ sách giáo khoa (SGK) mới. So với SGK cũ, SGK mới có nhiều điểm được đánh giá là ưu việt, dân chủ và tôn trọng quá trình nhận thức của người học.

Thay đổi cách tiếp cận

Bộ GD&ĐT vừa ban hành các quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, SGK lớp 3 gồm 43 đầu sách; SGK lớp 7 gồm 40 đầu sách và SGK lớp 10 có 44 đầu sách được phê duyệt.

Nhiều chuyên gia và thầy cô giáo nhận định, điểm mới trong SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 lần này là các hoạt động học tập rất sáng tạo và linh hoạt, thể hiện tinh thần lấy học sinh làm trung tâm, tính dân chủ trong giờ học và tôn trọng quá trình nhận thức của học sinh.

Năm học 2022- 2023, cùng với lớp 3 thì lớp 7 và lớp 10 cũng học bộ SGK mới
Năm học 2022- 2023, cùng với lớp 3 thì lớp 7 và lớp 10 cũng học bộ SGK mới

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 thì phương châm của SGK mới là “Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống”. Tất cả sách đều đi từ thực tế, từ phân tích thực tế để rút ra các bài học và đem bài học vào thực tiễn. Điểm chung cho tất cả SGK là không dạy theo lý thuyết mà đi sâu vào thực hành. Trong quá trình làm bài tập, các em được quyền lựa chọn đề tài, thảo luận để tự rèn năng lực.

Với riêng SGK Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương GDPT 2018 môn Ngữ văn cho rằng, cái mới ở đây chính là việc thay đổi cách tiếp cận. Trước đây, SGK Ngữ văn chạy theo nội dung, dạy rất nhiều văn bản, thể loại khác nhau nhưng lại xếp theo lịch sử văn học hết dân gian, đến trung đại rồi đến hiện đại.

Tuy nhiên, sách mới tổ chức sách theo trục kỹ năng, giúp giáo viên và học sinh hình dung được các kỹ năng cần đạt được. Theo đó, học sinh cần đọc phải hiểu, viết rõ ràng sáng sủa, diễn đạt trung thành với ý của mình và nghe phải hiểu; phải bám sát hoạt động giao tiếp. Sách mới khắc phục hiện tượng học sinh chỉ chép lại văn mẫu trong thi cử thông qua việc không cung cấp văn mẫu mà chỉ cung cấp ví dụ.

Còn GS.TSKH Đỗ Đức Thái- Chủ biên chương trình GDPT 2018 môn Toán, Tổng Chủ biên SGK Toán, Bộ sách Cánh Diều nêu ý kiến: SGK Toán lớp 3, lớp 7, lớp 10 đã bám sát vào những yêu cầu cần đạt của chương trình môn Toán 2018 với mỗi lớp một cách rõ ràng, rành mạch và trong sáng về mặt sư phạm.

Cách viết SGK mới là vì học sinh, bắt đầu từ học sinh, hiểu học sinh để các em có cơ hội tự học, tự tạo kiến thức và phát triển năng lực. Bộ sách này cũng là giáo án cho giáo viên; giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và điều rất quan trọng đó là có bộ học liệu điện tử đi kèm để giảm nhẹ gánh nặng lên giáo viên mỗi giờ lên lớp, tăng cường tương tác, hiệu quả dạy học hơn nữa.

Tôn trọng góp ý của giáo viên

Một trong những yêu cầu của Bộ GD&ĐT với các đơn vị tham gia biên soạn, xuất bản SGK là phải công khai bản thảo để lấy ý kiến giáo viên, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Ngoài ra cũng phải tổ chức dạy thực nghiệm (ở các trường phổ thông, ít nhất 10% số lượng tiết học cả năm đó) với sự giám sát của cơ quan quản lý. Việc thực nghiệm ở những vùng miền khác nhau tạo điều kiện để công tác đánh giá bản thảo dự định khả thi trong cuộc sống; từ đó điều chỉnh cho tốt hơn.

Ban soạn thảo SGK mới luôn tôn trọng ý kiến góp ý của giáo viên và các cơ sở giáo dục
Ban soạn thảo SGK mới luôn tôn trọng ý kiến góp ý của giáo viên và các cơ sở giáo dục

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ, ý kiến góp ý của các thầy cô ở địa phương đối với công tác biên soạn SGK là rất cần thiết. Qua những giờ thực nghiệm, nhóm biên soạn sách rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu. Các ý kiến thẳng thắn, có cơ sở được ban soạn thảo tiếp thu ngay để sách hoàn thiện hơn.

Với môn Ngữ văn, sẽ không chỉ thực nghiệm những nội dung mới, khó mà còn thực nghiệm về cách dạy. Với SGK Toán, ngoài hội đồng thẩm định thực hiện nghiêm túc, khách quan, còn có ý kiến một số chuyên gia độc lập, một số người hiểu giáo dục phổ thông, một số là nhà khoa học cơ bản, xem xét trên vị thế người đứng ngoài ngành.

Thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, sẵn sàng đón nhận Chương trình GDPT 2018 và SGK mới, nhà giáo Hà Ngọc Thuỷ - Phó Hiệu trưởng trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy) cho biết, trong nhiều năm qua, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên về phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Quan trọng hơn nữa là bổ sung về đội ngũ các thầy cô giáo để dạy những môn mới của chương trình này; đó là các môn về nghệ thuật, giáo dục thể chất, kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm. 

Bên cạnh đó, nhà trường đã chủ động nghiên cứu chương trình, cụ thể hoá những nội dung và phương pháp dạy học; tổ chức dạy theo hướng mở, tạo điều kiện cho học sinh tham gia vào quá trình xây dựng bài học, phát huy hứng thú, hợp tác nhóm và năng lực sử dụng công nghệ thông tin nhạy bén của giáo viên, học sinh.

Thêm nữa, nhà trường đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở vật chất để phục vụ cho các môn khoa học tự nhiên, giáo dục thể chất... Việc phải dạy học trực tuyến đã thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục; giúp các thầy cô đáp ứng nhanh nhạy hơn việc dạy SGK mới.

Được biết, thời điểm hiện tại, các địa phương đang chuẩn bị lựa chọn SGK, sau đó các nhà xuất bản sẽ tập huấn và đưa sách về tay học sinh trước khai giảng năm học mới.

 

Năm qua, hầu hết các địa phương đã chủ động trong triển khai chương trình SGK mới. Về chọn SGK năm nay, thay vì các cơ sở giáo dục được chọn SGK thì sẽ thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục, tức UBND phê duyệt việc chọn sách. Tuy nhiên, căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, việc triển khai các bước chọn sách vẫn tôn trọng ý kiến của những cơ sở giáo dục, các nhà giáo. Cụ thể, phải tổng hợp ý kiến từ trường, Phòng và Sở GD&ĐT, đặc biệt là vai trò của Hội đồng lựa chọn sách là những kênh, cơ sở để UBND tỉnh ra quyết định lựa chọn SGK.... Với sự nỗ lực của các cấp, về cơ bản SGK đã đến tay học sinh. Tuy nhiên, công tác tập huấn SGK cũng sẽ có nhiều cái khó bởi chủ yếu là qua trực tuyến do dịch bệnh Covid- 19 tiếp tục diễn biến phức tạp…- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội  Nguyễn Thị Mai Hoa.