Diêm Thống Nhất - gian nan hành trình giữ lửa diêm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những bao diêm Thống Nhất có in hình chú chim bồ câu trắng ngậm bông hoa đỏ, đang dang rộng cánh trên nền trời xanh từng rất đỗi quen thuộc trong các gia đình và ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân Việt Nam.

Để lửa diêm mãi cháy, Công ty CP Diêm Thống Nhất đã có những điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, tuy nhiên hành trình này vẫn không ít gian nan.

Thương hiệu một thời

Cầm hộp diêm Thống Nhất trong tay, rút một que quẹt nhẹ lên thành hộp, tay chắn gió và châm lên điếu thuốc lào, miệng hít một hơi dài rồi thư thái nhả khói… là thói quen của ông Nguyễn Huy Vinh (phường Ngọc Lâm, Long Biên) suốt hơn 40 năm nay. Ông Vinh chia sẻ: “Mặc dù thị trường đã có nhiều loại bật lửa tiện lợi, nhưng tôi vẫn thấy khoái cái cảm giác được nghe tiếng xòe xòe, rồi ngửi mùi khen khét mỗi khi bật diêm. Hơn nữa, châm thuốc bằng diêm vẫn có một cảm giác khó tả”.

Sản xuất bật lửa tại nhà máy Diêm Thống Nhất. Ảnh: Công Hùng
Sản xuất bật lửa tại nhà máy Diêm Thống Nhất. Ảnh: Công Hùng

Thói quen của ông Vinh có lẽ cũng là ký ức thân quen với nhiều thế hệ người dân Việt Nam từ 8X đổ về trước. Ở thời kỳ mà hầu hết gia đình Việt nào cũng sử dụng bếp than, bếp dầu hoặc bếp củi để sinh hoạt, những bao diêm Thống Nhất có giá chỉ 100 đồng đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt của người dân. Sản phẩm này gần như có mặt trên tất cả các quầy tạp hóa, quán nước…

Lật giở từng trang kỷ yếu, ông Nguyễn Hưng - Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc công ty tự hào cho biết, nhà máy diêm Thống Nhất được thành lập năm 1956 là nhà máy đầu tiên được xây dựng tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Năm 1993, nhà máy chuyển sang hoạt động theo mô hình DN với tên gọi Công ty diêm Thống Nhất. Từ tháng 1/2002, Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty CP với tên gọi Công ty CP diêm Thống Nhất.

Cùng với các sản phẩm giày Thượng Đình, cao su Sao Vàng, bóng đèn phích nước của Rạng Đông…, diêm Thống Nhất là sản phẩm đặt nền móng cho nền sản xuất miền Bắc. Trong thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước, diêm Thống Nhất từng được coi là niềm tự hào của ngành công nghiệp nhẹ và sản phẩm diêm Thống Nhất chiếm lĩnh gần như 100% thị phần những mặt hàng đánh lửa tại Việt Nam. Không chỉ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước, diêm Thống Nhất cũng đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Trong đó, khách hàng ngoại lớn nhất mua diêm từ Việt Nam Công ty Sincer Match của Malaysia.

Với nhiều thế hệ cán bộ, công nhân diêm Thống Nhất, niềm tự hào nhất của họ là được làm việc tại nơi Bác Hồ hai lần về thăm. Tập thể lãnh đạo, công nhân của công ty luôn ghi nhớ lời dặn dò của Bác Hồ trong lần đến thăm Nhà máy ngày 16/8/1956: “Nhà máy ta là nhà máy đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, các cô các chú phải quản lý và sản xuất cho tốt…”.
Không chỉ các thế hệ trước, thế hệ kế tiếp sau này cũng có rất nhiều cán bộ, công nhân gắn bó hàng thập kỷ với công ty, chứng kiến sự đổi mới và phát triển của diêm Thống Nhất qua những giai đoạn khó khăn. Qua nhiều thăng trầm, họ vẫn thủy chung gắn bó, miệt mài lao động sản xuất và công tác đóng góp để lửa diêm Thống Nhất bền bỉ cháy trong hàng triệu gia đình người dân đất Việt.

Để lửa diêm không đi vào quên lãng

Khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa, cũng như nhiều thương hiệu xưa khác, diêm Thống Nhất bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm tạo lửa từ nước ngoài, đặc biệt là bật lửa Trung Quốc. Khi điện trở nên phổ biến, cuộc sống hiện đại hơn, sản phẩm này cũng dần bị quên lãng. Ngành sản xuất diêm đã đi vào thế khó, mất dần thị phần và vị thế vì nhu cầu tiêu dùng thay đổi.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của que diêm cũng dần giảm sút, máy móc cũ kỹ lạc hậu cùng nguồn cung gỗ bồ đề trở nên cạn kiệt. Ngày nay, không thể tìm mua được diêm Thống Nhất ở các cửa hàng tiện lợi hay siêu thị. Người ta chỉ còn thấy lác đác sản phẩm này ở quán nước hay cửa hàng tạp hóa ven đường.

Trăn trở về nhiệm vụ giữ lửa diêm Thống Nhất, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hưng cho biết, diêm Thống Nhất tuy có thương hiệu từ lâu năm nhưng lại là mặt hàng tiêu dùng thông thường, tính thương mại kém, dễ bị thay thế, nên mức độ cạnh tranh cao.

Vì thế, ban lãnh đạo Công ty CP Diêm Thống Nhất đã có những thay đổi trong chiến lược sản xuất, kinh doanh. Khi nhu cầu diêm que giảm mạnh, công ty đã quyết định dừng sản xuất đại trà. Thay vào đó, công ty vẫn sản xuất chọn lọc các sản phẩm diêm hộp Thống Nhất và diêm quảng cáo cho các khách hàng có nhu cầu. Năm 2021, DN vẫn sản xuất hơn 40.000 kiện diêm các loại.

Ngoài sản phẩm diêm truyền thống, công ty chuyển hướng sang sản xuất bật lửa an toàn Thống Nhất và bao bì carton. Đây là hoạt động mang lại nguồn thu chính cho DN. Đây cũng là lĩnh vực sản xuất và kinh doanh chủ yếu của công ty trong năm 2022 và các năm tới.

Ngoài ra, Công ty CP Diêm Thống Nhất cũng sẽ mở rộng thêm hoạt động kinh doanh thương mại như kinh doanh nguyên liệu giấy sản xuất bao bì. “Chiến lược sản xuất bật lửa được định vị bằng chất lượng, sự an toàn, giá hợp lý để cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Công ty cũng sử dụng đúng thương hiệu Thống Nhất đã làm nên huyền thoại của diêm truyền thống để phát triển thị trường” - ông Hưng chia sẻ.

Năm 2021, 3 nhóm ngành Công ty Thống Nhất xác định tập trung sản xuất kinh doanh dựa trên năng lực, thế mạnh của mình gồm: Nhóm các sản phẩm sản xuất bao bì carton, bật lửa Thống Nhất. Nhóm các sản phẩm dịch vụ gồm dịch vụ cho thuê nhà xưởng, cung cấp lao vụ kèm theo nhà xưởng, quảng cáo trên các sản phẩm diêm, bật lửa. Nhóm các sản phẩm kinh doanh thương mại diêm tiêu dùng, vật tư nguyên liệu và bật lửa Thống Nhất - Cricket nhập khẩu trực tiếp từ Malaysia…

Cuộc xoay chuyển chiến lược đã giúp cho diêm Thống Nhất có những chuyển động tích cực. Năm 2014, ngay sau khi ra mắt sản phẩm bật lửa an toàn Thống Nhất, Công ty đã đạt sản lượng tiêu thụ 1,65 triệu chiếc. Đến năm 2018 tiêu thụ được 18 triệu chiếc và năm 2021 là trên 22 triệu chiếc.

 

Cuộc xoay chuyển chiến lược đã giúp cho diêm Thống Nhất có những chuyển động tích cực. Năm 2014, ngay sau khi ra mắt sản phẩm bật lửa an toàn Thống Nhất, Công ty đã đạt sản lượng tiêu thụ 1,65 triệu chiếc. Đến năm 2018 tiêu thụ được 18 triệu chiếc và năm 2021 là trên 22 triệu chiếc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần