Đây là diễn đàn đối ngoại cấp cao của các nhà hoạch định chính sách trong khu vực về lĩnh vực xây dựng pháp luật và thực tiễn thi hành với mục đích chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như thiếp lập các cơ chế hợp tác trong lĩnh vực phá sản.
Quang cảnh diễn đàn "Cải cách phá sản tại châu Á." (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
FAIR 10 đã thu hút sự quan tâm của trên 100 đại biểu quốc tế đến từ 18 quốc gia, vùng lãnh thổ là các chuyên gia quốc tế của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các nước phát triển có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tái cấu trúc, phục hồi doanh nghiệp và phá sản.
FAIR được hình thành với mục tiêu duy trì và thúc đẩy đối thoại chính sách về cải cách phá sản giữa các nhà hoạch định chính sách của các nước trong khu vực và theo dõi, đánh giá những tiến bộ đạt được trong việc cải cách phá sản ở các nền kinh tế trong khu vực. Trải qua 9 lần, FAIR 10 được Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam đăng cai tổ chức thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước ta đối với vấn đề cải cách phá sản đồng thời, Việt Nam mong muốn học hỏi được kinh nghiệm từ các nước trong khu vực nhằm tiếp tục tiến trình cải cách trong lĩnh vực phá sản.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, trong vòng 3 thập kỷ, Việt Nam đã ban hành 3 đạo luật về phá sản và trung bình cứ 10 năm lại có một đạo luật mới về phá sản. Đây là một quá trình cập nhật thường xuyên, mang tính kế thừa nhằm đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn phát triển của nền kinh tế và đảm bảo rằng Luật phá sản sẽ tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định xã hội.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, chế định phá sản trong pháp luật Việt Nam có mục tiêu là bảo vệ một cách hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ; bảo vệ lợi ích của con nợ; lợi ích của người lao động và ổn định xã hội. Đồng thời, Luật phá sản là một công cụ hữu hiệu để cơ cấu lại nền kinh tế khi nó được nhìn nhận như một cơ chế lọc và đào thải những doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các nhà đầu tư, góp phần duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp có hiệu quả.
Bám sát các mục tiêu trên, Luật phá sản hiện hành của Việt Nam có nhiều đổi mới theo hướng làm rõ hơn điều kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản, đơn giản hóa thủ tục phá sản, tăng cường các cơ chế và tạo điều kiện để tái cấu trúc, phục hồi doanh nghiệp đồng thời, Luật phá sản hiện hành của Việt Nam đã tăng cường quyền của chủ nợ, thiết lập chế định quản tài viên để hỗ trợ Tòa án trong việc tái cấu trúc và xử lý phá sản. Các đổi mới trong cơ chế xử lý phá sản đó đã mang lại những thay đổi tích cực cho việc xử lý phá sản tại Việt Nam và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Chủ đề FAIR 10 là “Phục hồi sự ổn định” cho thấy tầm quan trọng của việc cải cách phá sản đối với việc phục hồi sự ổn định kinh tế vĩ mô. Xung quanh chủ đề này, các đại biểu sẽ trao đổi về các chủ đề nhỏ: Cập nhật thông tin của các nước - vai trò của Luật phá sản trong khu vực; quản tài viên - xây dựng thể chế để thực thi pháp luật; sự phát triển của Luật phá sản - những vấn đề mới. Đồng thời, các đại biểu sẽ trao đổi về sự phát triển của hệ thống phá sản tiêu dùng, phá sản doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Á; sự phát triển của việc tái cấu trúc trong khu vực châu Á; sự phát triển của cơ chế xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán ngoài Tòa án. Ngoài ra, các đại biểu sẽ trao đổi về các chủ đề khác như Công ty quản lý tài sản; phát triển trong lĩnh vực tư pháp - hợp tác cùng các Tòa án khác; phát triển tư pháp - sự phát triển về năng lực tư pháp./.