Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11/12 cho biết, quyết tâm của Liên minh châu Âu (EU) trong việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga đang khiến họ phụ thuộc “một cách không thể tránh khỏi” vào năng lượng Mỹ.
Theo ông Peskov, khi trở nên quá phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Mỹ, Brussels đang thay thế hiệu quả “cơn nghiện" này bằng một “cơn nghiện” khác, nhưng trong trường hợp thứ hai, lợi ích mà họ thu được ít hơn rất nhiều.
“Và bây giờ khi người châu Âu đang chi hàng tỷ euro mỗi ngày thì Washington cũng đang kiếm được hàng tỷ USD” – quan chức Điện Kremlin nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Nga Rossiya 1.
EU đã phải vật lộn ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trong hơn một năm qua. Tình trạng khan hiếm năng lượng của khối này trở nên nghiêm trọng hơn do những nỗ lực nhằm trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine, bao gồm việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga – quốc gia từng là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của EU.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn vào đầu tháng 7/2022 sau khi nguồn cung khí đổt của Nga cho một số nước EU bị gián đoạn vì vấn đề bảo trì tuabin của đường ống Nord Stream 1. Sau đó, sự cố rò rỉ nghi do bị tấn công hồi tháng 9 vừa qua khiến tuyến đường ống đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu phải dừng hoạt động.
Trong khi đó, các nước EU vẫn bất đồng về mức giá trần với khí đốt - một giải pháp được kỳ vọng để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại. Theo Reuters, cuối tuần qua EU đã đàm phán khẩn cấp về một thỏa thuận hạn chế giá tại cuộc họp ngày 13/12 của các bộ trưởng năng lượng EU, tuy nhiên, họ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Có đến 12 trong số 27 quốc gia thành viên EU gồm Bỉ, Bulgaria, Croatia, Hy Lạp, Italia, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Romania, Slovenia và Slovakia đã có một văn bản yêu cầu mức giá trần thấp hơn "đáng kể" so với dự thảo cuối cùng mà EU đề xuất.
Theo đề xuất dự thảo mới nhất đang được các quốc gia xem xét, mức trần sẽ có hiệu lực nếu giá vượt quá 220 euro mỗi megawatt giờ (MWh) trong 5 ngày theo hợp đồng cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu của Hà Lan và cao hơn 35 euro so với giá tham chiếu đối với nhiên liệu khí đốt hóa lỏng, dựa trên ước tính giá hiện có. Giới hạn này thấp hơn mức 275 euro mỗi MWh do Ủy ban châu Âu đề xuất, nhưng một số quốc gia cho rằng, mức này vẫn chưa đủ thấp.
Các nước EU đã tranh cãi nhiều tháng về khả năng hạn chế giá khí đốt hay không, nhưng đến nay vẫn chưa thể đi đến đồng thuận. Trong khi một số nước tin rằng giá trần sẽ bảo vệ nền kinh tế của họ khỏi chi phí năng lượng tăng cao. Đức và Hà Lan lại phản đối, cho rằng nó có thể phá vỡ cung cầu năng lượng và ngăn các nhà sản xuất khí đốt tiếp cận thị trường châu Âu.