Phố Wall bùng nổ khi ông Trump bác tin sa thải Chủ tịch Fed
Kinhtedothi - Sự kỳ vọng vào khả năng hạ nhiệt trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cộng thêm việc ông Trump rút lại lời đe dọa sa thải Chủ tịch Fed đã giúp thị trường Phố Wall tăng vọt sau chuỗi ngày ảm đạm.
Thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến phiên giao dịch bứt phá mạnh trong phiên giao dịch ngày 22/4, khi chỉ số Dow Jones tăng tới 1.016,57 điểm, tương đương 2,66%, lên mức 39.186,98 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 2,51%, đạt mức 5.287,76 điểm, còn Nasdaq Composite bứt phá 2,71%, đóng cửa ở 16.300,42 điểm.
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ ghi nhân phiên tăng mạnh nhất trong gần 1 tháng qua, đồng thời chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp do lo ngại leo thang xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chỉ số Dow Jones tăng hơn 1.000 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/4. Ảnh: Sg-insight.com
Động lực chính thúc đẩy thị trường cổ phiếu đến từ phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trong một cuộc gặp kín với các nhà đầu tư tổ chức do JPMorgan Chase tổ chức. Bộ trưởng Bessent thừa nhận mức thuế quan cao đối với Trung Quốc là không bền vững và ông hy vọng sẽ có "sự giảm leo thang" trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đồng thời, ông Bessent nói thêm rằng: “Nếu chúng tôi bước ra khỏi cánh cửa phòng đàm phán và ký kết một thỏa thuận nào đó trong 2-3 năm tới, tôi cho rằng đó sẽ là một thắng lợi lớn”.
Phát biểu lạc quan của Bộ trưởng Tài chính Mỹ ngay lập tức tạo hiệu ứng tích cực lên thị trường. Chỉ số Dow Jones có thời điểm trong phiên giao dịch nhảy vọt hơn 1.100 điểm. Các cổ phiếu có liên quan chặt chẽ tới kinh tế Trung Quốc cũng nhận được lực đẩy từ thông tin này, với iShares China Large-Cap ETF (FXI) và iShares MSCI China ETF (MCHI) đều tăng khoảng 3%.
Jed Ellerbroek, Giám đốc danh mục đầu tư tại Argent Capital Management, nhận định: “Ông Bessent rõ ràng đang gửi tín hiệu rằng chính phủ hiểu rõ tác động tiêu cực của căng thẳng thương mại lên thị trường và đang khẩn trương tìm hướng giải quyết. Đó là thông điệp mà thị trường mong đợi.”
Đồng quan điểm, chiến lược gia trưởng thị trường Ryan Detrick tại Carson Group bình luận: “Những phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã góp phần làm dịu bớt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đồng thời giúp thị trường cổ phiếu khởi sắc sau chuỗi ngày giao dịch ảm đạm”.
Diễn biến tích cực ngày 22/4 đã phần nào xóa nhòa sự thất vọng trong phiên đầu tuần khi Dow Jones mất hơn 970 điểm, còn S&P 500 và Nasdaq cùng giảm hơn 2%.
Kể từ ngày 2/4, khi Tổng thống Trump công bố loạt thuế quan mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến áp lực bán tháo kéo dài. Chỉ số S&P 500 tính đến thời điểm hiện tại đã sụt hơn 6%.
Trong tuần này, tâm lý của nhà đầu tư thêm phần lo lắng khi ông Trump liên tục gây sức ép yêu cầu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hạ lãi suất. Phiên bán tháo hôm thứ Hai một phần do Tổng thống Trump phát tín hiệu có thể sa thải ông Powell trước thời hạn kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Fed vào tháng 5/2026.
Tuy nhiên, ông Powell khẳng định mình không thể bị sa thải theo luật và sẽ tiếp tục tại vị cho đến hết nhiệm kỳ vào tháng 5/2026.
Trong khi đó, Tổng thống Trump ngày 22/4 tuyên bố ông không có ý định sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell và tạm dừng các chỉ trích gần đây nhắm vào người đứng đầu ngân hàng trung ương.
Bên cạnh yếu tố chính sách, mùa công bố báo cáo tài chính quý 1/2025 cũng là nhân tố thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ.
Tính đến nay, đã có 82 công ty thuộc chỉ số S&P 500 công bố kết quả kinh doanh. Trong đó, 73% có lợi nhuận vượt kỳ vọng, theo dữ liệu từ LSEG. Hiện các nhà phân tích dự báo, tổng lợi nhuận của S&P 500 trong quý 1 sẽ tăng 8,1%, thấp hơn mức dự báo 12,2% đưa ra vào đầu quý.
Ông Bill Merz - Giám đốc nghiên cứu thị trường vốn tại U.S. Bank Wealth Management nói rằng kết quả lợi nhuận hiện tại phản ánh nền tảng kinh doanh vẫn vững, nhưng giới đầu tư đang tập trung vào các định hướng chiến lược của doanh nghiệp trong việc ứng phó với môi trường thuế mới.
Ngân hàng UBS: cổ phiếu có thể giảm sâu hơn nếu Mỹ duy trì thuế phổ quát 10%
Trong một báo cáo công bố ngày 22/4, các chiến lược gia của ngân hàng UBS cảnh báo, thị trường chứng khoán Mỹ có thể tiếp tục lao dốc trong thời gian tới, nếu các chính sách thuế quan hiện tại không được điều chỉnh.
“Chúng tôi đang xem xét hai kịch bản. Thứ nhất, chính quyền Tổng thống Trump giữ nguyên tất cả mức thuế hiện hành, bao gồm thuế phổ quát 10%, mức thuế 145% đối với hàng Trung Quốc và một số thuế ngành đặc thù. Kịch bản thứ hai là Mỹ duy trì mức thuế phổ quát 10% nhưng hạ thuế với Trung Quốc xuống còn 60%” - chiến lược gia Bhanu Baweja của UBS lưu ý.
Theo đánh giá của các chuyên gia UBS, cả hai kịch bản trên đều có khả năng dẫn tới sự suy giảm tiếp theo của thị trường cổ phiếu. “Chúng ta có thể đã vượt qua đỉnh điểm của sự bất định về thuế quan, nhưng nền kinh tế vẫn đang mắc kẹt trong sự bất ổn kéo dài. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp – yếu tố chưa được phản ánh đầy đủ vào định giá hiện tại” – báo cáo của UBS cho biết.
UBS dự đoán các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ sẽ chạm đáy vào đầu quý 2/2025, khi các yếu tố rủi ro dần được định hình rõ hơn và thị trường điều chỉnh lại kỳ vọng.

Chứng khoán Mỹ ám ảnh nỗi lo chiến tranh thương mại, Dow Jones giảm 155 điểm
Kinhtedothi - Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm mạnh do cổ phiếu ô tô bị bán tháo sau thông báo thuế thương mại mới nhất của Tổng thống Donald Trump.

Chứng khoán Mỹ nín thở chờ thông báo thuế đối ứng của ông Trump
Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ có phiên giao dịch khó khăn trong ngày 1/4 khi giới đầu tư chờ đợi chi tiết về mức thuế quan mới của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Tư.

Chứng khoán Mỹ tệ nhất kể từ năm 2020, Dow Jones “bay” hơn 2.000 điểm
Kinhtedothi - Khép phiên giao dịch cuối tuần, cả 3 chỉ số chính của Phố Wall đều chứng kiến mức sụt giảm 2 ngày lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.