Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điện Kremlin nói thẳng về kế hoạch đàm phán hòa bình của Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng tuyên bố của Ukraine về cam kết giải pháp ngoại giao với Nga hoàn toàn vô nghĩa.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: RT
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: RT

Theo RT, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 29/3 cho biết, Ukraine đang tự mâu thuẫn với chính mình khi thông báo có thể tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với Nga sau hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra tại Thụy Sĩ trong năm nay.

“Tuyên bố như vậy hoàn toàn mâu thuẫn với lệnh cấm đàm phán của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky” - ông Peskov cho hay.

Tổng thống Ukraine Zelensky hồi tháng 10/2022 đã ký ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi Moscow tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine.

Quan chức Điện Kremlin cũng chỉ ra rằng Moscow sẽ không chấp nhận kế hoạch hòa bình do Kiev đưa ra.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, Nga không có ý định tham gia hội nghị về Ukraine theo “công thức hòa bình” của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Các tuyên bố trên được giới chức Nga đưa ra sau khi Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba nói rằng Kiev có thể đàm phán với Moscow sau hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ dự kiến diễn ra trong năm nay.

Trả lời phỏng vấn đài NDTV của Ấn Độ  hôm 28/3, ông Kuleba nhấn mạnh rằng những bên tham gia hội nghị thượng đỉnh sẽ được tự do lựa chọn những hạng mục mà họ muốn thực hiện liên quan tới cuộc chiến Nga - Ukraine, ví dụ như giải quyết vấn đề an ninh lương thực, năng lượng hoặc trao đổi tù nhân.

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba. Ảnh: Getty
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba. Ảnh: Getty

Theo Ngoại trưởng Kuleba, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sẽ thành lập các nhóm và kế hoạch hành động tương ứng với từng lĩnh vực.

"Sau đó, giữa hội nghị thượng đỉnh thứ nhất và thứ hai, việc liên lạc với Nga có thể diễn ra, theo các quy tắc được các bên tham gia đồng ý" -  ông Kuleba cho biết, đồng thời lưu ý thêm rằng "chúng ta phải đảm bảo rằng Nga không có cơ hội cản trở tiến trình hòa bình như vậy".

Tháng trước, Thụy Sĩ đã công bố kế hoạch tổ chức một hội nghị hòa bình cấp cao về tình hình Ukraine vào mùa Hè với trọng tâm là "công thức hòa bình" 10 điểm của Kiev được Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra lần đầu tiên vào tháng 11/2022.

Sáng kiến này kêu gọi Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, trả lại quyền kiểm soát "vùng đặc quyền kinh tế" ở Biển Đen và Biển Azov cho Ukraine, cũng như thành lập một tòa án để truy tố các quan chức hàng đầu của Nga vì phát động cuộc chiến. Phía Moscow đã bác bỏ đề xuất này vì cho rằng nó "xa rời thực tế".

Trong khi đó, cả thời gian chính xác lẫn danh sách những người tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine do Thụy Sĩ đăng cai đều chưa được công bố.

Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis tuần trước nói rằng quyết định cuối cùng về vấn đề này - bao gồm cả việc liệu sự kiện có diễn ra hay không - sẽ được đưa ra vào giữa tháng 4.

Nga trước đó tuyên bố chưa bao giờ loại trừ khả năng đối thoại với Ukraine, nhưng không có ý định tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Thụy Sĩ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hồi đầu tháng này  cho biết, Nga sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh do Thụy Sĩ đăng cai ngay cả khi được mời, lập luận rằng nó sẽ thúc đẩy công thức hòa bình của ông Zelensky, điều Moscow coi là tối hậu thư.

Ngoài ra, bà Zakharova nhấn mạnh Thụy Sĩ - quốc gia tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga - khó có thể đóng vai trò là nền tảng cho các nỗ lực gìn giữ hòa bình.

Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ cuối tháng 2/2022 với mục tiêu "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng. 

Chính phủ Nga nhiều lần khẳng định để ngỏ đàm phán với Ukraine miễn là Kiev phải chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10/2022 và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý. 

Kiev nhất quyết không đàm phán với Moscow trừ khi quân đội Nga rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền, bao gồm Crimea và 4 vùng lãnh thổ cũ của Ukraine đã được sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý vào mùa Thu năm 2022.