70 năm giải phóng Thủ đô

Điện Kremlin phản hồi thông tin Thủ tướng Đức muốn điện đàm với ông Putin

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan chức Điện Kremlin khẳng định, trong thời điểm hiện tại, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz "không có bất kỳ vấn đề nào cần phải thảo luận”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Xinhua
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Xinhua

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 2/10 cho biết, phía Moscow chưa nhận được yêu cầu từ Berlin về việc tiến hành cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Olaf Scholz và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Hai ông Putin và Scholz hiện không có vấn đề chung nào cần phải thảo luận”, ông Peskov lưu ý, đồng thời nhấn mạnh rằng quan hệ giữa Đức và Nga đã "suy giảm xuống mức thấp nhất”.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin vẫn để ngỏ giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết cuộc xung đột hiện tại với Ukraine. "Tổng thống [Vladimir Putin] đã nhiều lần nói rằng ông ấy sẵn sàng đối thoại", ông Peskov cho biết.

Tuyên bố trên được quan chức Điện Kremlin đưa ra sau khi truyền thông  Đức tiết lộ Thủ tướng Scholz muốn điện đàm với ông Putin trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tại Brazil.

RT dẫn các nguồn tin từ báo Die Zeit của Đức cho biết, Thủ tướng Olaf Scholz đang mong muốn điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong quan điểm mới, ông Scholz đã ủng hộ các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine, bao gồm cả việc mời Moscow tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình.

Theo Thủ tướng Đức, điều quan trọng nhất là phải tận dụng tất cả những cơ hội để đạt được giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột hiện tại.

"Tôi đã tích cực thực hiện nỗ lực này trong nhiều tháng qua và sẽ tiếp tục làm như vậy tại cuộc họp sắp tới với Tổng thống Mỹ cũng một số nhà lãnh đạo khác tại Căn cứ không quân Ramstein”, Thủ tướng Scholz tuyên bố.

Theo kế hoạch, vào giữa tháng này các cuộc thảo luận về hỗ trợ cho Ukraine sẽ được tổ chức tại Đức với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz  chụp ảnh tại cuộc họp báo chung ở Moscow vào ngày 15/2/2022. Ảnh: RT
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz  chụp ảnh tại cuộc họp báo chung ở Moscow vào ngày 15/2/2022. Ảnh: RT

Thông tin từ Điện Kremlin cho biết, cuộc điện đàm gần nhất của hai nhà lãnh đạo Nga và Đức diễn ra vào tháng 12/2022, theo yêu cầu của Berlin. Trong cuộc điện đàm kéo dài một giờ đồng hồ trên, Thủ tướng Scholz đã kêu gọi ông Putin rút quân khỏi Ukraine.

Vào tháng 5/2023, Thủ tướng Đức cũng bày tỏ việc cần nối lại liên lạc với Tổng thống Nga. Ông Scholz nói với tờ báo Koelner Stadt-Anzeiger: “Cuộc điện đàm gần nhất diễn ra cách đây một thời gian. Nhưng tôi dự định sẽ nối lại trao đổi với ông Putin vào thời điểm thích hợp".

Trong năm nay, Berlin cũng tham dự hội nghị hòa bình Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức vào tháng 6. Tuy nhiên, cuộc họp đã không mang lại bất kỳ kết quả cụ thể nào khi nhiều quốc gia tham dự từ chối ủng hộ tuyên bố chung. Trong khi đó, phía Nga không được mời.

Đến tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh rằng hòa bình nên đạt được ở Ukraine “càng sớm càng tốt”. Trước đó, trả lời phỏng vấn đài truyền hình ZDF ngày 8/9, Thủ tướng Đức cũng đề cập đến một hội nghị tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại Ukraine nên sớm được tổ chức, đồng thời kêu gọi sự tham gia của Nga.

Đức hiện là nước viện trợ quân sự lớn thứ 2 cho Ukraine sau Mỹ, lên tới hơn 10 tỷ euro (11,19 tỷ USD) tính từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2024, theo Viện Kinh tế thế giới Kiel. Tuy nhiên, các nguồn thạo tin khẳng định, đề xuất ngân sách năm 2025 của Đức đang nhắm cắt giảm tới 50% viện trợ quân sự cho Kiev.

Nền kinh tế Đức đặc biệt bị tổn thương do quyết định từ chối nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga. Nhiên liệu giá rẻ do đối tác Nga cung cấp qua đường ống đã thúc đẩy nền kinh tế hàng đầu EU trong nhiều thập kỷ trước khi bùng phát chiến sự ở Ukraine.

Những tháng gần đây, nền kinh tế lớn nhất EU đã chứng kiến những đợt di dời hoặc đóng cửa nhà máy do giá cả nhiên liệu tăng cao. Tình trạng đình công của công nhân cũng là vấn đề nhức nhối của quốc gia đầu tàu công nghiệp châu Âu.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tị nạn Ukraine tại Đức cũng đang gây ra nhiều tranh cãi. Chính phủ của Thủ tướng Scholz bị chỉ trích vì có sự ưu ái đặc biệt đối với người tị nạn Ukraine, thậm chí một số ý kiến cho rằng họ được đối xử tốt hơn cả những người Đức gặp khó khăn. Tính đến tháng 7/2024, ước tính có hơn 1 triệu người tị nạn Ukraine đang cư trú tại Đức.