Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diện mạo mới ở vùng xa trung tâm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được TP Hà Nội quan tâm, chăm lo.

Mô hình trồng cam là hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn tại xã dân tộc miền núi Khánh Thượng (huyện Ba Vì). Ảnh: Trọng Tùng
Mô hình trồng cam là hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn tại xã dân tộc miền núi Khánh Thượng (huyện Ba Vì). Ảnh: Trọng Tùng

Diện mạo nông thôn miền núi cũng đổi thay từng ngày nhờ kết quả của việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Vùng khó khăn thay da đổi thịt
Nằm ở phía Tây của huyện Mỹ Đức, giáp ranh với tỉnh Hòa Bình, xã An Phú là một trong 14 địa phương vùng DTTS còn nhiều khó khăn nhất của Thủ đô. Nơi đây có gần 6.000 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mường sinh sống tập trung, chiếm khoảng 65% tổng dân số của toàn xã.
Chủ tịch UBND xã An Phú Bùi Văn Chuyện cho biết, hơn 10 năm trước, địa phương bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với chỉ duy nhất… 1 tiêu chí đạt. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ. Địa hình phức tạp, đất đai manh mún khiến việc phát triển sản xuất đầy rẫy những khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người thời điểm 2012 mới chỉ đạt hơn 6,6 triệu đồng/năm. Cứ 10 hộ dân thì có gần 3 gia đình thuộc diện hộ nghèo (tương ứng tỷ lệ hộ nghèo khoảng 27%).
An Phú chỉ thực sự đổi thay khi chính sách dân tộc đến với nơi đây. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang, nguyên là Bí thư Đảng uỷ xã An Phú cho biết, trải qua 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020, Chương trình số 04-CTr/TU giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội, khoảng 514 tỷ đồng đã được huy động để hỗ trợ địa phương thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý, dù đời sống còn nhiều khó khăn, tuy nhiên đồng bào các dân tộc xã An Phú vẫn chung tay, đóng góp sức người, sức của quy đổi trị giá hơn 5 tỷ đồng để thực hiện Chương trình.
Đến nay, xã An Phú đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp ngày một đồng bộ. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 55 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, hiện còn khoảng 1,7%. Thành quả đó hơn ai hết, người dân chính là đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất.
Bà Nguyễn Thị Huê, đồng bào dân tộc Mường ở thôn Gốc Báng (xã An Phú) phấn khởi cho biết: “Sống một đời nơi mảnh đất giáp ranh tỉnh Hoà Bình, chưa khi nào cảm nhận thấy diện mạo quê hương đổi thay được như ngày hôm nay”. “Chúng tôi mong muốn đổi thay về cơ sở hạ tầng sẽ đi cùng những chuyển biến về kinh tế - xã hội, để đời sống đồng bào nơi đây tiếp tục được cải thiện” - bà Huê kỳ vọng.
Hiệu quả từ nguồn lực đầu tư
Không chỉ tại xã An Phú, công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng đã và đang trở thành phong trào rộng khắp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô. Với việc xã An Phú đủ điều kiện về đích năm 2021, đến nay, 14/14 xã vùng dân tộc miền núi của Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Kết quả trên có được, bên cạnh nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của đồng bào các DTTS, không thể không nhắc tới sự quan tâm, đầu tư rất lớn của TP Hà Nội. Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, 7 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện đã được TP hỗ trợ hơn 1.500 tỷ đồng để thực hiện 85 dự án phát triển. Đặc biệt, các quận cũng chung tay ủng hộ huyện Ba Vì khoảng 82 tỷ đồng để hoàn thiện thiết chế văn hoá.
Cùng với huyện Ba Vì, Hà Nội cũng quan tâm, bổ sung nguồn vốn hàng năm để hỗ trợ 7 xã còn lại thuộc 4 huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, thống kê giai đoạn 2012 - 2020, khoảng 1.800 tỷ đồng đã được Hà Nội bố trí thực hiện hai Kế hoạch số 166 và 138, với mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi của Thủ đô. “Nguồn lực đầu tư lớn đã góp phần thay đổi căn bản diện mạo và đời sống kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi của Thủ đô. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng bình quân hàng năm tăng 12%. Thu nhập đầu người đạt hơn 40 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 0,69%...” - ông Nguyễn Tất Vinh thông tin thêm.
Rút ngắn khoảng cách trình độ phát triển
Việc tổ chức triển khai đồng bộ, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện công tác dân tộc và xây dựng nông thôn mới hàng năm đã góp phần mang lại kết quả nổi bật trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi. Nhờ đó giúp TP Hà Nội giữ vững vị thế lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận, hạ tầng kinh tế - xã hội tại vùng dân tộc miền núi vẫn chưa thực sự đồng bộ. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; chưa có nhiều mô hình kinh tế nông thôn mang lại giá trị cao và bền vững. Đặc biệt, đời sống của đồng bào vùng DTTS vẫn còn khoảng cách khá xa so với khu vực đồng bằng, đô thị…
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân tộc nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng, hàng năm, UBND TP Hà Nội vẫn quan tâm, bố trí vốn và chỉ đạo 5 huyện tập trung đông đồng bào hỗ trợ kinh phí phát triển kinh tế - xã hội cho 14 xã vùng dân tộc miền núi. Mới đây, TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND về việc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030. Tổng ngân sách dự kiến đầu tư của TP Hà Nội cho các mục tiêu của Chương trình vào khoảng 2.100 tỷ đồng.
“Việc triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 253/KH-UBND sẽ thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, góp phần hoàn thành mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội. Từ đó, rút ngắn trình độ phát triển giữa vùng dân tộc miền núi và khu vực đồng bằng của Thủ đô…” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá.
Nhấn mạnh việc cải thiện đời sống cho người dân khu vực nông thôn nói chung, đồng bào vùng dân tộc miền núi nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, các sở, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU cần tiếp tục quan tâm, triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các xã khó khăn, xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi; phấn đấu đến năm 2025, vùng dân tộc miền núi nói riêng và Hà Nội nói chung cơ bản không còn hộ nghèo.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng lưu ý các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống y tế, giáo dục cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và miền núi. Thực hiện hiệu quả chính sách dân số và bảo hiểm y tế. Đồng thời, phát triển toàn diện hệ thống an sinh xã hội cho mọi người dân trên địa bàn Thủ đô nói chung.

 

"Bộ mặt nông thôn miền núi của Thủ đô đã có sự phát triển đồng bộ, rõ rệt, đây là kết quả của việc triển khai có hiệu quả các chính sách mang tính hệ thống, thiết thực dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi của Hà Nội. Thời gian tới, đề nghị TP tiếp quan tâm phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống cho đồng bào gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc." - Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh