Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diện mạo mới từ những công trình

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những công trình kiến trúc hiện đại như Tòa nhà Keangnam, Đại lộ Thăng Long, đường Vành đai 3, Trung tâm hội nghị Quốc gia... đã “thổi” một luồng sinh khí mới làm thay đổi diện mạo kiến trúc đô thị Hà Nội trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện nay. Không chỉ có tầm vóc lớn về quy mô, những công trình này còn mang lại những giá trị to lớn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Khu đô thị mới Royal City. Ảnh: Phạm Hùng 
Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam ở số 57 đường Phạm Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) được coi là tổ hợp công trình đa năng lớn nhất tại Thủ đô và thuộc vào loại lớn, hiện đại trong khu vực Đông Nam Á. Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 11/2004, hoàn thành sau 22 tháng thi công trên tổng diện tích 64.000m2, vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng. Sự kiện đầu tiên tổ chức ở đây là Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tháng 12/2006. Nơi đây sau đó trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện trọng đại về chính trị, văn hóa, khoa học... của đất nước.

Tòa nhà Keangnam, hiện được ghi nhận là tòa nhà cao thứ hai của Việt Nam đến thời điểm hiện tại, tòa nhà nằm ở phía Tây của Thủ đô (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), tòa nhà Keangnam Hà Nội là một khu phức hợp khách sạn, văn phòng, căn hộ, trung tâm thương mại lớn cao nhất Việt Nam với 72 tầng. Với chiều cao 336m, khi vừa hoàn thành, đây là tòa nhà cao thứ 17 trên thế giới, được đầu tư xây dựng bởi Tập đoàn Keangnam có trụ sở chính tại Dongdaemun-gu, Seoul của Hàn Quốc. Với tổng diện tích khoảng 300.000m2, nơi đây được coi là biểu tượng cho sự tăng trưởng kinh tế của Thủ đô Hà Nội.

Đại lộ Thăng Long hay còn được gọi là đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, là tuyến đường cao tốc nối khu trung tâm Hà Nội (bắt đầu từ BigC Thăng Long) với đường Hồ Chí Minh có chiều dài toàn tuyến khoảng 30km, nằm hoàn toàn trong địa giới của Thủ đô Hà Nội, đi qua địa bàn các quận, huyện: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Chiều rộng đường khoảng 140m, được chia thành 2 dải đường, mỗi dải đường có 3 làn xe, 2 đường cơ giới, phần còn lại là dải đường trồng cây xanh và vỉa hè.

Đường Vành đai 3, là tuyến giao thông đường bộ quan trọng của Thủ đô Hà Nội, có tổng chiều dài khoảng 65km, đã hoàn thành giai đoạn I, đoạn Nội Bài - Mai Dịch - Thanh Xuân - Pháp Vân - cầu Thanh Trì và đang hoàn thành giai đoạn II đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long. Trong những năm gần đây, do yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, mật độ và lưu lượng giao thông tại TP Hà Nội và các khu vực lân cận đã gia tăng đáng kể vượt quá khả năng vận chuyển của các tuyến đường.

Cầu Nhật Tân, là một trong những cây cầu lớn nhất bắc qua sông Hồng, cầu nối của tuyến giao thông quan trọng trên cao tốc Nhật Tân - Nội Bài, từ phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) với xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh), giúp rút ngắn quãng thời gian di chuyển từ trung tâm Hà Nội tới sân bay quốc tế Nội Bài.

Khu đô thị Royal City và Times City, do Tập đoàn VinGroup làm chủ đầu tư. Hai khu đô thị này thuộc Top đầu về các khu đô thị đáng sống nhất tại Việt Nam, được thiết kế là một tổ hợp, gồm: Trung tâm thương mại, quần thể vui chơi giải trí, văn phòng, trường học... hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay.