Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điện tăng giá 3% không lớn, nhưng tác động không nhỏ tới xã hội

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá điện tăng 3% dù không lớn, nhưng đã tác động tới đời sống sinh hoạt của người dân, sản xuất, kinh doanh của DN trong bối cảnh đầy khó khăn.

Vấn đề là cần có giải pháp để giảm thiểu tác động tới nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, trong đó có ý thức tiết kiệm năng lượng và kiểm soát tốt vấn đề giá cả leo thang.

Tăng nhẹ, ảnh hưởng lớn

Liên quan đến việc điều chỉnh tăng giá điện bình quân, EVN cho rằng, nếu không tăng giá bán lẻ điện kịp thời ở mức phù hợp khi đó dự kiến tổng số lỗ lũy kế của ngành điện năm 2022 và 2023 khoảng gần 70.000 tỷ đồng.

Công nhân EVN kiểm tra kỹ thuật bảo đảm vận hành lưới điện trong mùa nắng nóng. Ảnh: Nguyên Dương
Công nhân EVN kiểm tra kỹ thuật bảo đảm vận hành lưới điện trong mùa nắng nóng. Ảnh: Nguyên Dương

Tuy nhiên, giá điện tăng 3%, được dự báo sẽ làm tăng thêm chi phí sản xuất, kinh doanh của DN, tiền điện phải trả thêm của người dân.

CEO Indema - Công ty CP Sản xuất và Phát triển Công nghiệp Việt Nhật Nguyễn Thu Hồng cho biết, là DN hoạt động trong lĩnh vực gia công kim loại, kim loại tấm, sản phẩm chính là các loại khung vỏ tủ bảng điện cỡ lớn chuyên dụng trong ngành đóng tàu và công nghiệp; chế tạo khung bệ máy, chân đế robot; tráng phủ bề mặt kim loại (sơn bột tĩnh điện, mạ kẽm điện phân) tất cả đều liên quan đến điện. Do đó, điện tăng giá làm tăng thêm gánh nặng cho DN.

“Tăng giá điện là áp lực rất lớn, mọi chi phí đều tăng sẽ là gánh nặng lớn với DN, khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là, đặc thù ngành nghề liên quan đến thép, sơn, mạ đang là ngành sử dụng lượng điện tương đối lớn” - bà Nguyễn Thu Hồng thẳng thắn.

Do đặc thù nên chi phí tiền điện mỗi năm khoảng 2,2 tỷ đồng, giá điện tăng 3%, đồng nghĩa việc DN sẽ tăng chi phí khoảng 65 triệu đồng/năm. DN cũng quan ngại trong việc một số các chi phí đầu vào có khả năng sẽ tăng trong thời gian tới.

Theo Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam Nguyễn Văn Kết, tăng giá điện là DN phải tăng thêm chi phí sản xuất. Dự tính mỗi tháng, SKD sẽ phải bỏ thêm hàng chục triệu đồng cho chi phí tiền điện. "Tuy vậy, DN cũng phải thấu hiều và sẻ chia, nhiều năm qua, ngành điện đã có những sự đầu tư cho công nghệ, chất lượng dịch vụ. Vấn đề là để làm sao có được nguồn điện ổn định, an toàn cho toàn xã hội sử dụng" - doanh nhân này nói.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng giá bán lẻ điện bình quân 3% so với giá hiện hành (1.864,44 đồng/kWh). Mặc dù mức tăng không quá cao, nhưng nhiều người dân, DN cho rằng, mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất lớn nên chi phí tiền điện sẽ tăng.

Chủ quán “Bún ốc tóp mỡ cô Lý” (ngõ 433 Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) Lê Thị Lý cho biết, do đặc thù vừa sinh sống, vừa là hộ kinh doanh tại nhà, mỗi tháng chi phí tiền điện sinh hoạt và kinh doanh khoảng hơn 10 triệu đồng. Do đó, tiền điện tăng 3% dù không lớn nhưng có tác động đến đời sống khi chi phí tăng thêm.

Nhiều giải pháp giảm chi phí

Trước những khó khăn, bà Nguyễn Thu Hồng nêu giải pháp, DN tiếp tục tìm kiếm phương án nhằm tiết kiệm điện năng như: thay đổi thói quen sử dụng, đơn cử thay hệ thống chiếu sáng bằng đèn led, sử dụng các thiết bị điện inverter, khu vực chung sử dụng điện năng lượng mặt trời, sử dụng tấm panel để lấy thêm ánh sáng tự nhiên, quy định thời gian bật, tắt điều hòa…; lên kế hoạch bảo dưỡng thiết bị làm mát (quạt, điều hòa …); rà soát thiết bị máy móc, tìm giải pháp mới hơn để tiết kiệm điện năng hơn song cũng cần tính toán kỹ về chi phí đầu tư; xa hơn tính đến việc đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời áp mái nhưng cũng liên quan chi phí đầu tư, phải tính toán.

 

Liên quan đến vấn đề giá điện, tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nhà Quốc hội mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng việc tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khiến tăng chi phí đầu vào của các DN sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm. Đây là một bất cập đã được nhắc đến từ nhiều năm nay nhưng chưa được xem xét, thay đổi. Theo báo cáo, chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các DN đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng…

 

Theo bà Lê Thị Lý, thời gian qua, ngành điện cũng đã có nhiều nỗ lực và thay đổi trong cung cách phục vụ, chăm sóc khách hàng. Ý thức điều đó, gia đình sử dụng thiết bị nước nóng năng lượng mặt trời để tắm, tránh sử dụng điện với thiết bị bình nóng lạnh; tập trung sinh hoạt, xem tivi và sử dụng điện trong phòng chung, tránh bật điện ở nhiều thiết bị, nhiều phòng cùng lúc.

“Tôi cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, dù ít nhiều tác động nhưng việc tăng giá điện ở mức 3% là hợp lý. Song sự chia sẻ vấn đề là phải bảo đảm đủ điện, ổn định cho người dân, DN, hộ kinh doanh… sử dụng. Bởi thiếu điện, không có điện để dùng mọi hoạt động sẽ khó khăn, còn tăng giá điện trong mức cho phép có thể hiểu và thông cảm” - bà Lý chia sẻ.

Bà cho biết thêm: "Do đó, việc kinh doanh cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp thực phẩm tiết giảm chi phí giữ nguyên giá, hiện cửa hàng vẫn chưa tăng bất cứ mặt hàng nào nhằm góp phần bình ổn thị trường. Với diện tích mái khoảng 30m2, tôi cũng rất muốn lắp đặt thêm điện mặt trời, nhưng hiện nay chi phí đầu tư còn cao, hiệu quả tính trong cả năm thấp, hầu như chỉ phát công suất ổn định trong mấy tháng Hè, nên còn cân nhắc. Vấn đề lo nhất việc giá điện tăng dù thấp nhưng sẽ kéo theo chi phí các mặt hàng thiết yếu tăng theo. Các cơ quan quản lý cần kiểm soát tốt vấn đề này".

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Kết đưa ra giải pháp, để ứng phó giá điện tăng, cũng như tiết kiệm năng lượng, từ lâu gia đình đã sử dụng đèn led thay thế cho chiếu sáng, giảm bớt sử dụng điều hòa bằng quạt trần để tạo thông thoáng không khí trong phòng, chỉ sử dụng điều hòa vào buổi đêm trước khi đi ngủ và hẹn giờ tắt khi trời gần sáng. Ngoài ra, trồng thêm cây xanh ở ban công, dùng mành rèm để che nắng chiếu trực tiếp vào các phòng.

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho ý kiến: giải pháp quan trọng nhất là phải có phương án sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, đồng thời phải sửa ngay biểu giá cố định qua bán lẻ điện theo hướng rút gọn. Ngoài việc cần có chính sách bình ổn giá thì Nhà nước cũng cần nghiêm túc với việc công khai, minh bạch giá, tránh hiện tượng “té nước theo mưa”.

 

Đây là mức tăng rất thấp khi DN sản xuất, kinh doanh điện vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bởi, cần hiểu rằng, chi phí mua điện đầu vào từ các nhà máy nhiệt điện than vừa qua đã tăng 25%, còn mua điện từ nhà máy tuabin khí tăng 11,3%. Rõ ràng, bình quân giá điện đã tăng khoảng 15% mà điều chỉnh có 3% là mức độ rất thấp. Không có gì khác ngoài việc là Nhà nước cần phải có chính sách đặc biệt hỗ trợ ngành điện trong bối cảnh tình hình tài chính của họ - vì dù có điều chỉnh 3% cũng vẫn còn rất khó khăn. Bên cạnh đó, Nhà nước phải có chính sách tổng thể về bình ổn mặt bằng giá.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Tiến Thỏa