Đặc biệt, các câu hỏi của phóng viên xung quanh tình hình quản lý thị trường, nhất là giá xăng, dầu, điện… liên tục tăng thời gian gần đây, vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.
Ít “điểm sáng”
Cho dù chỉ số CN từng tháng vẫn tiếp tục tăng so với tháng trước và cùng kỳ, trong đó, chỉ số 7 tháng tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 - tăng 5,7%. Điều này chứng tỏ, hoạt động SXKD của các DN còn gặp nhiều khó khăn, sức mua còn thấp, đòi hỏi cần nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Cụ thể, một số ngành CN có chỉ số SX tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái là khai thác và thu gom than cứng giảm 1,4%; sản xuất sắt thép, gang giảm 2,6%, sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 13,8%, sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện giảm 2,2%...
Tuy nhiên, có một điểm đáng mừng là chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo tiếp tục giảm, trong đó, tại thời điểm 1/7/2013 chỉ số này giảm 0,9 điểm phần trăm so với cùng thời điểm tháng trước. Những ngành có chỉ số tồn kho giảm nhiều gồm sản xuất vải dệt thoi, may trang phục, sản xuất giày dép, sản xuất xi măng, sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất thiết bị truyền thông, sản xuất ô tô… Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, gần đây nhiều mặt hàng CN, nhất là may mặc, giày dép có chỉ số tồn kho giảm, tiêu thụ tăng, cho thấy sức mua có tăng. Bên cạnh đó, nhiều DN dệt may, da giày ngày càng tăng được năng lực cạnh tranh.
Trong hoạt động XK, dù duy trì đà tăng trưởng 7 tháng trên 14%, song điều đáng lưu ý là tốc độ tăng trưởng XK giảm dần: quý I tăng 18%, quý II tăng 16%, 7 tháng tăng 14%. Tuy nhiên, tình hình nhập khẩu (NK) vẫn đảm bảo nhu cầu cho sản xuất và được kiểm soát tương đối tốt. Với xu hướng NK tăng dần, cán cân thương mại hàng hóa vẫn nghiêng về nhập siêu, nhưng tính đến hết tháng 7 đã được thu hẹp xuống 733 triệu USD, tương đương 1% kim ngạch XK.

Việc tăng giá xăng, dầu sẽ tạo áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Yên Chi
Thúc đẩy tiêu thụ, giảm hàng tồn kho
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, trong những tháng còn lại năm nay, để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, Bộ đã yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh khai thác năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, củng cố hệ thống phân phối để giải quyết hàng tồn kho. Đồng thời, cần linh hoạt trong điều tiết cung cầu nhằm bình ổn thị trường, bình ổn giá, thực hiện các chính sách hỗ trợ đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Cũng theo bà Thoa, về tình hình thu mua nông sản, các địa phương đang quản lý rất chặt chẽ. Bộ Công Thương đã lập chương trình kiểm soát cụ thể tình hình thương lái thu mua nông sản, nếu phát hiện có hoạt động thu mua bất hợp pháp, lực lượng chức năng ngành công thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiên quyết chấm dứt tình trạng này.
Trước câu hỏi Bộ Công Thương quản lý thế nào về việc sau lần tăng giá xăng, dầu gần đây nhất (ngày 17/7) nhưng những ngày vừa qua, nhiều DN kinh doanh xăng, dầu lại rục rịch đòi tăng giá theo giá thế giới với lý do thua lỗ, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Xuân Chiến cho biết: Chức năng quản lý về giá thuộc Bộ Tài chính, nhưng Bộ Công Thương cũng chủ trương phối hợp chặt chẽ để quản lý thị trường (QLTT). Giá xăng trong nước tăng hay giảm vẫn phải phụ thuộc giá thế giới và tuân thủ Nghị định 84/2009/NĐ - CP về quản lý kinh doanh xăng, dầu (NĐ 84). Cũng theo ông Chiến, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ Công Thương đang hoàn chỉnh dự thảo NĐ mới hoàn toàn thay thế NĐ 84 và ngay trong tuần tới sẽ trình Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ ban hành vào ngày 30/9/2013. Tuy nhiên, trước thời điểm này, việc kinh doanh xăng, dầu vẫn phải hoàn toàn tuân thủ NĐ 84.
"Tính đến 10/7/2013, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu khoảng 61 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp đang bị âm quỹ. Sau khi cộng với thuế nhập khẩu và Quỹ bình ổn thời gian tới nếu giá thế giới giảm tiếp thì liên bộ sẽ có hướng điều chỉnh thích hợp" - ông Chiến nói.
Vẫn mập mờ phương án tăng giá điện
Ngay thời điểm bắt đầu buổi họp báo chiều 5/8, các phóng viên đặt rất nhiều câu hỏi xung quanh việc tăng giá điện từ ngày 1/8/2013, đặc biệt những vấn đề nổi cộm được các phóng viên đặc biệt quan tâm như: Sau lần tăng giá điện lần thứ ba này, Bộ Công Thương có công bố lộ trình trong năm 2013 có tiếp tục tăng giá? Bộ có thể công khai các chỉ số giá thành sản xuất, lợi nhuận hay các quỹ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong lần tăng giá này và trong năm 2013?... Tuy nhiên, đến tận những phút cuối của buổi họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa với tư cách người phát ngôn của cơ quan này chỉ trả lời: "Chủ đề này đã được những người có chức trách trả lời nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc với báo chí, trong đó gần đây nhất là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2013, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" trên VTV… Do đó, chúng tôi xin phép miễn đề cập vấn đề này".
Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia, giá điện tăng thêm 5% lần này sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,35%. Một số mặt hàng cũng sẽ đồng loạt tăng từ ngày 1/8 như gas, sữa... Chuyên gia lĩnh vực giá cả dự báo, CPI tháng 8 tăng thêm 1% - mức tăng cao nhất từ đầu năm nay. Đặc biệt, việc tăng giá này sẽ khiến cho nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ hơn một năm qua có nguy cơ khó thực hiện.
|