Điều chỉnh địa giới hành chính: Chuyển đổi số để phục vụ người dân tốt hơn

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-15 năm Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính, hàng loạt sáng kiến cải cách hành chính nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã và đang góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ công chức Thủ đô tiến gần đến chuyên nghiệp, hiện đại trong giải quyết thủ tục hành chính.

15 năm Hà Nội thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, dân số và diện tích tăng lên đồng nghĩa với khối lượng hồ sơ hành chính hằng ngày tăng đáng kể. Song, với quyết tâm của các cơ quan hành chính trong hiện đại hóa bộ phận “một cửa”, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) gắn với chuyển đổi số trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính, người dân ngày càng được hưởng nhiều tiện ích.

Chuyển đổi số giúp giải quyết thủ tục nhanh, tiện

Một chiều cuối tuần, ông Nguyễn Xuân Hòa (tổ 16 phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) đến bộ phận “một cửa” phường làm thủ tục đất đai, rất vui được trải nghiệm mô hình “Một cửa đô thị hiện đại”, chia sẻ: “Nhiều năm đến đây làm TTHC, tôi thấy mô hình này rất tiện giải quyết hồ sơ, giảm thời gian, công sức, nhất là với người cao tuổi như tôi hoặc công chức bận rộn”.

Được biết, cuối năm 2022, UBND quận Nam Từ Liêm đã chỉ đạo UBND phường Trung Văn phối hợp các đơn vị thí điểm “Mô hình một cửa đô thị hiện đại”, theo đó thông qua thiết bị CNTT ở từng quầy giao dịch và công nghệ AI tự nhận diện khuôn mặt, trạng thái cá nhân để đánh giá sự hài lòng khi người dân ra về. Kết quả được lưu trên máy chủ tại đơn vị, làm cơ sở đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ công chức và của đơn vị; đồng thời giúp lưu dữ liệu người dân khi kê khai nộp hồ sơ, không phải khai lại thông tin trong những lần giao dịch sau, thông qua máy quét trực tiếp tại bộ phận “một cửa” (chỉ cần căn cước công dân để quét, đăng ký giải quyết TTHC). Từ đó, cùng những giải pháp mới, UBND quận đã triển khai “Một cửa đô thị hiện đại” tại phường Mỹ Đình 1 và ra nhiều phường khác.Điều chỉnh địa giới hành chính: Chuyển đổi số để phục vụ người dân tốt hơn - Ảnh 1

Mô hình ''Một cửa đô thị hiện đại'' giúp UBND phường Mỹ Đình 1 và nhiều phường khác tại quận Nam Từ Liêm thông qua phần mềm có thể tiếp nhận đánh giá của người dân đối với từng công chức

Theo lãnh đạo UBND phường Mỹ Đình 1, với “Một cửa đô thị hiện đại”, người dân nêu được kiến nghị về giải quyết mọi TTHC tại bộ phận “một cửa” thông qua máy đánh giá sự hài lòng và gửi đến lãnh đạo phường qua mã QR trên zalo; lãnh đạo nhanh chóng tiếp nhận, giải quyết những góp ý chính đáng. Mô hình còn giúp UBND phường thông qua phần mềm quản lý giờ làm việc của công chức “một cửa” để tiếp nhận đánh giá của người dân với từng công chức.

Tại quận Long Biên, phường Việt Hưng mới đây cũng triển khai mô hình “Tình nguyện làm việc giờ thứ 9” giải quyết TTHC và hỗ trợ tổ chức, công dân nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Theo đó, công dân đến bộ phận “một cửa” từ 17h30-18h30 thứ Hai, Tư, Sáu được tiếp nhận, giải quyết TTHC như trong giờ hành chính. Với TTHC trả trong ngày thì có mô hình “Công dân không chờ”, trong đó cán bộ công chức nhận, chuyển xử lý hồ sơ, trả kết quả trong không quá 1 giờ (không viết giấy tiếp nhận và giấy hẹn trả).

Tại quận Hai Bà Trưng, để ngày càng nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, cùng với một số mô hình sáng kiến trong giải quyết TTHC, UBND quận đã rất quan tâm ứng dụng CNTT gắn với chuyển đổi số vào giải quyết hồ sơ. Bộ phận “một cửa” từ UBND quận đến 18/18 phường đến nay đã đưa vào tổng cộng 6 mã QR để công dân nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán phí, góp ý về chất lượng giải quyết TTHC…

“Công dân không cài zalo cũng quét mã được bằng camera trên điện thoại có kết nối mạng. Mỗi tháng có hàng trăm người dùng quét mã này để góp ý với quận về giải quyết TTHC”- chuyên viên Văn phòng HĐND&UBND quận Hoàng Thị Thanh Trà chia sẻ.

Tại quận Hai Bà Trưng, bộ phận ''một cửa'' từ UBND quận đến 18/18 phường đã đưa vào tổng cộng 6 mã QR để công dân nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán phí, góp ý về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính...
Tại quận Hai Bà Trưng, bộ phận ''một cửa'' từ UBND quận đến 18/18 phường đã đưa vào tổng cộng 6 mã QR để công dân nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán phí, góp ý về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính...

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Phan Văn Phúc, những năm gần đây, trên toàn quận, 100% hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hoặc trước hạn. Đến nay, 100% cán bộ công chức bộ phận “một cửa” đã đăng ký, sử dụng tài khoản giao dịch điện tử trên hệ thống một cửa điện tử các cấp để theo dõi, giải quyết hồ sơ điện tử thực hiện TTHC của tổ chức, cá nhân. Đáng chú ý, 250 Tổ “xung kích số” đang hoạt động hiệu quả tại 18 phường để hỗ trợ người dân, lấy nòng cốt là công chức, thanh niên thành thạo thực hiện TTHC trên cổng Dịch vụ công TP, Quốc gia.

Cuối năm 2022, UBND xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì) đã mở điểm “Hỗ trợ thực hiện TTHC 24h” tại thôn Yên Ngưu, đầu năm 2023 mở thêm tại thôn Tựu Liệt. UBND xã cũng thành lập “Tổ hỗ trợ giải quyết TTHC 24h” (gồm lãnh đạo thôn, chi hội phụ nữ, đoàn viên thanh niên, nông dân, cựu chiến binh và 2 công chức bộ phận “một cửa” xã) để hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến hoặc hỗ trợ người dân bận không đến được bộ phận “một cửa” giờ hành chính.

Mô hình giúp người dân thôn không phải đi xa, có thể đến điểm hỗ trợ tại nhà văn hóa thôn bất cứ lúc nào trong ngày để được hỗ trợ, đang được triển khai tại hầu hết xã, thị trấn thuộc huyện Thanh Trì.

 

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP Hà Nội được vận hành chính thức từ tháng 4/2023, đến nay đã triển khai xong cho các sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn sử dụng hệ thống phần mềm để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC tại địa phương. TP cũng đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình Đề án 06/CP, có 9/25 dịch vụ công thiết yếu được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trực tuyến.

Đáng chú ý, việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; hóa đơn điện tử đang hoạt động đăng ký thành công đạt 99,16% đối với doanh nghiệp và 99,98% với hộ kinh doanh. Đồng thời, toàn TP hiện có hơn 4,7 triệu người có thẻ BHYT được đồng bộ, xác thực dữ liệu với căn cước công dân, có thể sử dụng để đi khám chữa bệnh.

 

Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội khảo sát tại Sở Nội vụ Hà Nội về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số 
Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội khảo sát tại Sở Nội vụ Hà Nội về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số 

Thường xuyên rà soát đơn giản hóa, giảm thời gian giải quyết thủ tục

Không chỉ trong khối quận huyện, kể từ khi điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội đến nay, ngày càng có nhiều sáng kiến cải cách hành chính cũng được áp dụng tại các sở, ngành, tạo thuận tiện lớn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi đến giao dịch hành chính.

Tại Sở LĐ-TB&XH Hà Nội- đơn vị dẫn đầu khối sở về chỉ số cải cách hành chính năm 2022, Phó Giám đốc Sở Nguyễn Hồng Dân cho hay, nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp, người dân, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc chú trọng xây dựng cơ chế liên thông trong thực hiện TTHC. Đồng thời đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, song song với rà soát cắt giảm quy định kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp ủy quyền và đơn giản hóa TTHC nội bộ; chỉ đạo các đơn vị tạo mã QR để người lao động quét qua Zalo khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và tăng tuyên truyền để họ ủng hộ.

Đáng chú ý, trong năm 2021, Sở đã kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND TP ban hành quyết định thông qua phương án đơn giản hóa 22 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở (thuộc 4 cấp từ Trung ương đến xã). Trong đó, 20 TTHC giảm từ 1 đến 3 ngày làm việc so với quy định và 2 TTHC giảm thành phần, số lượng hồ sơ, với chi phí ước tính tiết kiệm tới 2,2 triệu đồng/năm. Tiếp đó, năm 2022, các đơn vị đề xuất đơn giản hóa với 13/13 TTHC được tiến hành rà soát đánh giá, từ đó đã đơn giản được 1 thành phần hồ sơ, rút ngắn 1 ngày làm việc so với quy định.

Công chức bộ phận ''một cửa'' Sở LĐTB&XH Hà Nội tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính cho đối tượng là thương binh, trong thời gian dịch Covid-19
Công chức bộ phận ''một cửa'' Sở LĐTB&XH Hà Nội tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính cho đối tượng là thương binh, trong thời gian dịch Covid-19

Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở LĐ-TB&XH cũng đã kịp thời tham mưu trình và được UBND TP thông qua phương án đơn giản hóa đối với 34 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở, trong đó có 31 TTHC giảm từ 0,5 đến 8 ngày làm việc so với quy định, 3 TTHC giảm được thành phần và số lượng hồ sơ. Ước tính chi phí tiết kiệm được với 3 TTHC này là gần 1,6 triệu đồng/năm.

Đối với Sở Nội vụ, không chỉ phục vụ hoạt động điều hành nội bộ, công tác phát triển các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, tổ chức cũng đạt nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, Sở đã triển khai Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP đến mọi phòng, đơn vị trực thuộc; bổ sung chữ ký số chuyên dùng Chính phủ dành cho bộ phận “một cửa” khối Văn phòng Sở và các đơn vị trực thuộc; ứng dụng hiệu quả chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong xử lý công việc trên môi trường mạng và dịch vụ công trực tuyến.

Đáng chú ý, Sở đã thực hiện rà soát danh mục TTHC ngành Nội vụ, xây dựng phương án đơn giản hóa TTHC và tham mưu cắt giảm, đơn giản hóa 33/152 TTHC (đạt 21,7%); đã lựa chọn, thực hiện tái cấu trúc 6 quy trình giải quyết TTHC tích hợp Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Hàng loạt sáng kiến có hiệu quả thực tiễn đó đang ngày ngày góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ công chức Thủ đô “tận tụy, trách nhiệm, thân thiện, gần dân”, tiến gần chuyên nghiệp, hiện đại trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, giúp các địa phương, đơn vị cải thiện chỉ số cải cách hành chính cũng như chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính.