Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh lộ trình xe khách quá cảnh Hà Nội: Giảm ùn tắc cho nội đô

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 11/2017, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất với Bộ GTVT cho tiếp tục điều chỉnh lộ trình hơn 400 lượt xe khách quá cảnh để giảm thiểu áp lực giao thông cho khu vực nội thành. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, đây có thể xem là một giải pháp hiệu quả trong bối cảnh TP còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông như hiện nay.

Khó kiểm soát
Lâu nay, một số khu vực dọc theo tuyến đường Vành đai 3, đoạn từ Nam Thăng Long đến nút giao Pháp Vân - Hoàng Mai xuất hiện không ít xe khách liên tỉnh dừng đón trả khách tùy tiện. Một số khu vực đã trở thành điểm nóng như trước cổng trường Cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội (đường Phạm Văn Đồng); hai đầu cầu vượt Mai Dịch (Cầu Giấy); đường Phạm Hùng (Nam Từ Liêm)… Đáng nói, nhiều xe còn ngang nhiên đón trả khách ngay tại đường cao tốc trên cao, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng hành khách và nguy cơ mất ATGT nghiêm trọng.
 Xe khách liên tỉnh dừng đỗ đón người trên đường Vành đai 3. Ảnh: Phạm Hùng
Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT Đường bộ Nguyễn Quang Lượng (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, rất nhiều trong số đó là xe khách không có điểm đầu cuối tại Hà Nội mà chỉ đi qua TP, tranh thủ dừng đón khách, gây mất trật tự ATGT. Ông Lượng còn chia sẻ, việc quản lý, giám sát hoạt động vận tải khách của các tuyến đăng ký kinh doanh, hoạt động trên địa bàn Thủ đô vốn đã rất nặng nề, phức tạp, lại thêm hàng trăm lượt xe quá cảnh mỗi ngày nữa sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
“Đặc điểm của các xe này là không chịu sự quản lý của Hà Nội mà chỉ đi qua. Khi vi phạm bắt được “tại trận” mới xử lý được, còn không thì đành… bó tay” - ông Lượng bộc bạch.

Bên cạnh đó, Đại diện Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận, theo Quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2288/QĐ - BGTVT, vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với tổ chức giao thông, tổ chức vận tải trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể là hàng trăm lượt xe khách mỗi ngày đi qua những khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, đặc biệt là Vành đai 3, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và mất ATGT.
Trên thực tế, tuyến đường Vành đai 3, đoạn đi qua các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai hiện nay đang là một trong những trục chính “nóng” nhất của Hà Nội. Mỗi dịp lễ, Tết, khi mật độ giao thông tăng vọt, khu vực này thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc cả trên cao lẫn dưới thấp, trong đó có một phần áp lực đến từ hơn 400 lượt xe khách quá cảnh/ngày.

Mặt khác, hiện tuyến Vành đai 3 đang được thi công cả dưới thấp lẫn trên cao đoạn tuyến Mai Dịch - cầu Thăng Long. Theo dự kiến sẽ mất ít nhất gần 3 năm nữa mới hoàn thiện toàn bộ để đưa vào khai thác sử dụng. Nhiều ý kiến cho rằng, trong khoảng thời gian này, bớt được lưu lượng xe phần nào sẽ nâng cao khả năng lưu thông trên tuyến chừng đó.

Khả thi

Căn cứ thực trạng giao thông khu vực đường Vành đai 3, đoạn cầu Thăng Long - Mai Dịch - Pháp Vân, với mục tiêu giảm ùn tắc, đảm bảo trật tự, ATGT, mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất tiếp tục điều chỉnh luồng tuyến xe khách liên tỉnh trên địa bàn Thủ đô. Nhóm tuyến đề xuất điều chỉnh chủ yếu tập trung vào các tuyến quá cảnh Hà Nội, đi theo đường Vành đai 3.
Trong đó, các tuyến từ bến xe các tỉnh phía Nam TP Hà Nội đi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - đường Vành đai 3 trên cao ra đường Võ Văn Kiệt - Bắc Thăng Long (hoặc cầu Thanh Trì - QL1 - QL3) đến bến xe các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn. Các tuyến từ các tỉnh phía Đông, Đông Nam như: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng đi các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu đi theo hành trình QL5 cũ hoặc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hướng lên QL2; hoặc đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, qua cầu Đông Trù ra QL2; hoặc có thể đi theo hướng QL5 - QL1 - QL3 đến các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn... và ngược lại.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho biết, Sở đã có báo cáo cụ thể danh sách các tuyến và phương án điều chỉnh gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các địa phương liên quan để xin ý kiến nhằm sớm thực hiện, góp phần giảm UTGT trên địa bàn TP. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền thông tin, Bộ GTVT đồng ý về chủ trương đối với đề xuất điều chỉnh lộ trình hơn 400 lượt xe khách liên tỉnh quá cảnh Hà Nội. Tuy nhiên do liên quan đến nhiều địa phương, DN và cả hành khách, Nhân dân nên còn cần phải cân nhắc, tính toán phương án thực hiện cụ thể.

Liên quan đến đề xuất này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, vấn đề đã được Sở GTVT đặt ra từ nhiều năm trước, cũng đã từng họp lấy ý kiến các Sở GTVT địa phương liên quan.
“Tuy nhiên suốt thời gian qua đề xuất này không thực hiện được, khiến cho một trong những phương án nhằm giảm thiểu áp lực giao thông cho Hà Nội phải giậm chân tại chỗ” - ông Liên thông tin thêm. Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đây là phương án rất khả thi, nếu áp dụng có thể giúp cho trục đường huyết mạch của Hà Nội là Vành đai 3 hạn chế được phần nào UTGT và đặc biệt là những vi phạm dừng đỗ tùy tiện của xe khách liên tỉnh.
Để phân bổ đều mật độ giao thông, tạo thuận lợi cho người dân đi lại nói chung và hợp lý hóa mạng lưới tuyến vận tải khách liên tỉnh nói riêng, TP cần phải quyết liệt đẩy nhanh quá trình xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông khung, đặc biệt là các tuyến vành đai và trục chính liên tỉnh.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên