Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh lương hưu của lao động nữ cần theo lộ trình

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/11, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, đơn vị đã đề xuất phương án áp dụng lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu đối với lao động (LĐ) nữ trong 5 năm tới.

 Sản xuất khuôn đúc nhựa chính xác tại Công ty TOHO Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh. Ảnh: Hải Linh
Dự báo, năm 2017 cả nước có khoảng 57.500 LĐ nữ nghỉ hưu; năm 2018, sẽ có khoảng 49.700 LĐ nữ nghỉ hưu đúng tuổi 55 (chưa tính số LĐ nghỉ hưu trước tuổi). Cách tính lương hưu mới sẽ tác động đến khoảng 21.000 LĐ nữ trong số đó. Theo ông Sơn, việc thay đổi cách tính lương hưu từ năm 2018 trở đi không chỉ tác động đến LĐ nữ, mà tác động chung đến tất cả người LĐ. Tuy nhiên, tác động đến LĐ nam là từng bước theo lộ trình, còn với LĐ nữ thì không có lộ trình. “Quan điểm cho rằng cách tính lương hưu từ năm 2018 trở đi đối với LĐ nữ là bất bình đẳng giới là chưa thấu đáo. Bởi lẽ, khi kết thúc lộ trình thay đổi cách tính lương hưu, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa thì số năm đóng BHXH của LĐ nam vẫn luôn cao hơn LĐ nữ là 5 năm. Vấn đề là đối với LĐ nữ thì áp dụng ngay nên tâm lý hụt hẫng, tác động mạnh hơn” – ông Sơn nhấn mạnh.

Mới đây, tại cuộc họp với Bộ LĐTB&XH, BHXH Việt Nam đã đề xuất phương án áp dụng lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu đối với LĐ nữ trong 5 năm như sau: 15 năm đầu đóng BHXH tính bằng 45%. Sau đó: Nghỉ hưu năm 2018: 8 năm tiếp theo, mỗi năm tính thêm 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%; Nghỉ hưu năm 2019: 6 năm tiếp theo, mỗi năm tính thêm 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%; Nghỉ hưu năm 2020: 4 năm tiếp theo, mỗi năm cộng 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%; Nghỉ hưu năm 2021: 2 năm tiếp theo, mỗi năm cộng 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%; Nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi: Các năm tiếp theo mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%.

Như vậy, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa là 75% thì LĐ nữ nghỉ hưu trong năm 2018 phải có 26 năm đóng BHXH; nghỉ hưu trong năm 2019 phải có 27 năm; trong năm 2020 là 28 năm; năm 2021 là 29 năm; từ năm 2022 trở đi là 30 năm. Đây được coi là phương án hoàn toàn tương đồng với lộ trình thay đổi cách tính lương hưu như đối với LĐ nam, đồng thời đảm bảo tính hài hòa trong quá trình cải cách chính sách với LĐ nữ. Tuy nhiên, để đưa ra được quyết định dừng hay thực hiện lộ trình này vẫn cần chờ Quốc hội xem xét và quyết định.