Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh nhịp tim sau mắc Covid

BS Huỳnh Tấn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này, các bác sĩ thường phải thăm khám cho nhiều bệnh nhân có các triệu chứng tim mạch hậu Covid-19, trong đó có vấn đề về nhịp tim.

Bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực, tim đập nhanh nhất là khi gắng sức.

Thường xuất hiện ở nhóm người nào?

Di chứng rối loạn nhịp tim thường xuất hiện nhóm người nào? Và thời gian xuất hiện di chứng này ra sao, sau khi F0 xuất viện? Đó là những thắc mắc thường gặp của những người trong vùng dịch.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Rối loạn nhịp tim như rung nhĩ, nhịp nhanh trên thất, block tim hoàn toàn và nhịp nhanh thất xảy ra ở những bệnh nhân bị nhiễm, đang hồi phục sau Covid-19. Sau khi mắc Covid-19, các triệu chứng rối loạn nhịp là khá thường gặp với các triệu chứng như hồi hộp đánh trống ngực. Đặc biệt là nhịp tim nhanh kéo dài là hay gặp sau khi khỏi Covid-19 có khá nhiều lý do như: Mệt mỏi kéo dài, ít hoạt động do nằm trên giường lâu khi chúng ta bị Covid-19 hoặc nữa là những vấn đề tim mạch mắc phải sau nhiễm virus SARS-CoV-2... Sự xuất hiện của virus “lạ” trong cơ thể cũng kích thích các phản ứng miễn dịch tạo ra các báo động giả, kích hoạt hoạt động của thần kinh tự chủ làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim.

Theo các chuyên gia, khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể gây nên tình trạng viêm, hệ miễn dịch phải “gồng lên” để chống lại virus. Trong quá trình đó, một số mô khỏe mạnh, bao gồm cả mô tim, bị virus “đánh gục”, làm tổn thương tim và có thể ảnh hưởng đến chức năng tim. Không chỉ vậy, trong những trường hợp nghiêm trọng, hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với nhiễm trùng, giải phóng vào máu các phân tử gây viêm gọi là cytokine. Khi lượng cytokine bị giải phóng không kiểm soát sẽ tạo nên “cơn bão cytokine”, là tác nhân làm tổn thương nhiều hệ cơ quan, bao gồm cả tim.

Nhiễm SARS-CoV-2 cũng có khả năng gây viêm trong lòng các động mạch. Khi động mạch bị tổn thương, bề mặt của động mạch sẽ thu hút tiểu cầu trong máu kết dính vào vị trí tổn thương. Từ đây, các yếu tố đông máu và thrombin - các loại protein giúp máu đông - tích tụ, khiến hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn các mạch máu đó.

Hiện chưa thể biết chính xác căn bệnh này sẽ ảnh hưởng đến trái tim của con người như thế nào về lâu dài, do đó mọi người cần quan tâm sức khỏe của mình hơn, nhớ thăm khám định kỳ.

Giải pháp chữa trị

Người bệnh cần được thăm khám lâm sàng, kết hợp thực hiện các cận lâm sàng theo chỉ định để phát hiện các tổn thương về tim mạch; xác định chính xác rối loạn nhịp ở người bệnh là gì: Nhịp chậm xoang, nhịp nhanh xoang, ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất, cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, rung nhĩ, cuồng nhĩ…

Nói chung, bệnh nhân sau mắc Covid-19 nên đến khám tim mạch 6 tháng/ lần. Các xét nghiệm thường được làm để đánh giá bao gồm:

- Điện tâm đồ để xem có giãn các buồng tim hay không và xem các dấu hiệu của bệnh lý mạch vành đặc biệt khi có đau ngực. Nó cũng giúp chẩn đoán các vấn đề về rối loạn nhịp.

- Siêu âm tim để theo dõi và đánh giá kích thước và cấu trúc tim; kiểm tra sự thay đổi của van tim, của buồng tim, thành tim.

- Chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ tim. Chụp cắt lớp vi tính có thể giúp chẩn đoán tổn thương động mạch vành tim. Chụp cộng hưởng từ tim có thể giúp xác định các tổn thương sẹo tại cơ tim sau khi mắc Covid-19…

Sau khi xác định chính xác vấn đề rối loạn nhịp là gì, sẽ điều trị theo phác đồ đối với từng bệnh. Điều chỉnh bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt, dùng thuốc...

Có nên quá lo lắng?

Rối loạn nhịp tim này có thể là tạm thời hoặc có thể là bệnh mãn tính. Rối loạn tạm thời do sốt, thiếu nước, lo lắng, mất ngủ, rối loạn điện giải sẽ phục hồi. Rối loạn nhịp tim khi có tổn thương về tim mạch trên người bệnh Covid-19 cần theo dõi ở các chuyên khoa tim mạch, nguyên nhân và mức độ đa dạng, không phải trường hợp nào cũng nguy hiểm, đa số cần quản lý bệnh tốt và thăm khám đều là sẽ ổn.

Còn tim đập nhanh (trên 90 lần/ phút ) chủ yếu là bị tác động bởi yếu tố tâm lý, tinh thần. Nhịp tim đập nhanh gặp trong 2 tình huống:

Khi mắc bệnh: Người bệnh rơi vào trạng thái lo âu, sợ hãi... Tất cả nguyên nhân đó làm cho tim đập nhanh hơn bình thường. Sau khi khỏi bệnh: Vẫn còn tồn tại những lo lắng, suy nghĩ nhất định làm cho nhịp tim vẫn cứ "đập nhanh liên hồi".

Vậy chúng ta nên làm gì để cải thiện tình trạng lo âu khiến cơ thể "không bệnh cũng thành bệnh" này?

- Hít đều thở đều, hạn chế những suy nghĩ tiêu cực.

- Nhắm hai mắt, dùng 2 ngón tay ấn vào nhãn cầu, đếm từ 1 đến 30 sau đó thả ra, tiếp tục lặp lại nhiều lần nhất có thể. Đây là nghiệm pháp giúp giảm nhịp tim hiệu quả ngay tại nhà.

- Xem những chương trình yêu thích trên ti vi để giảm cảm giác lo lắng.

Cần biết rằng, lo lắng không cải thiện được tình trạng của bệnh.