Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô: Giữ bản sắc, tăng tính lan tỏa

Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- TP Hà Nội đang khẩn trương thực hiện các bước để lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu phát triển

Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là QHCXD Thủ đô) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 là công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội từ năm 2011 đến nay.

Trên cơ sở QHCXD Thủ đô, TP Hà Nội đã tiến hành lập và phê duyệt đồng loạt các quy hoạch chuyên ngành (hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng xã hội), quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, các huyện ngoại thành, quy hoạch phân khu các khu vực thuộc đô thị trung tâm… Đáp ứng được yêu cầu phục vụ đầu tư xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn TP, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy đánh giá, quá trình triển khai QHCXD Thủ đô trong hơn 10 năm qua đã phát sinh nhiều vấn đề tới nay bắt buộc phải điều chỉnh tổng thể.

Cụ thể, một số quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch đô thị đã được sửa đổi, ban hành mới. Quá trình triển khai các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã có những vấn đề mới, đề xuất mới cần phải nghiên cứu khớp nối và xem xét trên tổng thể quy hoạch chung toàn TP và kết nối liên vùng.

Bên cạnh đó, cùng với tiến trình phát triển đô thị, một số vấn đề chưa được đề cập tại QHCXD Thủ đô mà nay đang trở thành xu hướng quan trọng trong phát triển đô thị như: Đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; đô thị thông minh; khai thác không gian xây dựng ngầm đô thị, nhất là không gian công cộng ngầm, gắn kết với công trình theo mô hình TOD; các dự án trọng điểm như đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị,… và những yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và nông thôn trên địa bàn Thủ đô.

Đặc biệt là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác quy hoạch và phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội cần phải xem xét rà soát điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển.

Tạo cực tăng trưởng mới

Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh chia sẻ: “Với những yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Sau thời gian khẩn trương thực hiện, Nhiệm vụ quy hoạch đã được lập, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và trình cơ quan chức năng”.

Ngày 12/4 vừa qua, Hội đồng Thẩm định của Bộ Xây dựng đã họp, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực đối với Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Một trong những ý kiến đáng chú ý liên quan đến tên của quy hoạch, đó là “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Như vậy, thời hạn quy hoạch đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 được kéo dài hơn so với quy hoạch gốc là Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

 Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định, hiện nay Sở QH - KT, Viện Quy hoạch xây dựng đang gấp rút bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch để TP báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ, dự kiến vào đầu tháng 5/2023. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, UBND TP tổ chức triển khai lập, hoàn thiện đồ án. Quá trình triển khai sẽ tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan. Dự kiến, đồ án sẽ được báo cáo Bộ Xây dựng xem xét trong tháng 8/2023, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023.

Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh

Về vấn đề này, tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 12 BCH Đảng bộ TP Hà Nội, ngày 27/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay, BCH Đảng bộ TP Hà Nội thống nhất điều chỉnh thời hạn của đồ án quy hoạch là "Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065" như đề nghị của Bộ Xây dựng để thống nhất với Khoản 3 Điều 25 Luật Quy hoạch đô thị 2009 (thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung TP trực thuộc T.Ư từ 20 đến 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm).

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy thông tin, trên cơ sở kết quả thảo luận tại Hội nghị, BCH Đảng bộ TP phố cơ bản thống nhất với định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065). Bí thư Thành ủy yêu cầu các cơ quan chuyên ngành của TP trong quá trình nghiên cứu lập Đồ án điều chỉnh cần bám sát các định hướng của các Nghị quyết, Kết luận liên quan của T.Ư và Bộ Chính trị.

Trong đó, việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải đảm bảo định hướng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; đồng thời, phải khai thác được hiệu quả các điều kiện tự nhiên; giữ gìn bản sắc văn hóa; từng bước nâng cao chất lượng đô thị và nông thôn; đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh quốc phòng.

Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; tập trung ưu tiên các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng số theo các chiến lược, mô hình phát triển kinh tế Thủ đô và của vùng Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, TP kiên định với định hướng phát triển hai TP trực thuộc Thủ đô là: TP Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), TP phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai). Cùng với đó là 5 trục không gian chính: Trục không gian sông Hồng, lấy Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay; Trục không gian Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh;

Trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng; Trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh; Trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại Mỹ Đức và Hà Nam. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, tính toán định hướng phát triển Hà Nội với vai trò dẫn dắt, tạo sức mạnh lan tỏa trong Vùng Thủ đô...