Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều gì sẽ xảy ra sau Brexit?

Tú AnhTheo Reuters
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cử tri Anh đã quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Trong những ngày tới, thế giới chờ đợi diễn biến gì từ việc này.

Ngày thứ 1 (24/6)

Thị trường tài chính lao dốc; Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) và Ngân hàng T.Ư Anh ráo riết tìm biện pháp bình ổn. Các lãnh đạo EU, tại Paris hay Berlin và Ủy ban châu Âu, các lãnh đạo hàng đầu đang ở 3 trạng thái: Nuối tiếc, rằng Anh rời đi; Tôn trọng, đối với quyết định của người dân Anh; và Giải quyết, để duy trì sức mạnh của khối liên minh lâu đời nhất thế giới.

Và vấn đề cuối cùng là liệu, Anh có được ưu tiên bất kỳ điều gì trong mối quan hệ ở tâm thế mới với EU. Việc Anh rời khỏi EU cũng dấy lên nghi ngờ về sự ra đi của ông David Cameron với chiếc ghế Thủ tướng. Dự kiến, các lãnh đạo Quốc hội châu Âu sẽ có cuộc gặp vào 8h sáng 24/6. 
Điều gì sẽ xảy ra sau Brexit? - Ảnh 1
Ngày thứ 2 (25/6)

Cùng với áp lực từ nhiệm, mọi tâm điểm đang hướng về Thủ tướng Cameron. Bao giờ ông chính thức tuyên bố Anh rời EU và tiếp nối quá trình rời khỏi EU phức tạp như thế nào? Sự kiện một thành viên EU muốn thoát ly khỏi khối là điều chưa có tiền lệ nên không ai biết lộ trình cụ thể sau cuộc trưng cầu ý dân như thế nào. Thủ tướng Cameron từng tuyên bố, sẽ ngay lâp tức viện tới Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon về EU (2007) ngay lập tức nếu Anh rời EU. Theo đó, “các quốc gia thành viên có quyền rút ra khỏi liên minh theo trình tự quy định bởi hiến pháp của mỗi nước”. Một khi điều khoản này được thực thi, những điều kiện của Brexit sẽ được quyết định không phải bởi nước Anh mà từ 27 thành viên còn lại của EU. Thỏa thuận chỉ có hiệu lực nếu được Nghị viện châu Âu và 72% thành viên EU còn lại, đại diện tối thiểu 65% dân số, thông qua.

Ngày thứ 3 (26/6)

Ủy ban châu Âu, các lãnh đạo EU dự kiến sẽ họp khẩn tại Brussel để đưa ra bước đi tiếp theo. Thỏa thuận Anh - EU đạt được hồi tháng 2 cho phép London có vị thế đặc biệt trong khối liên minh đã trở về con số 0 sau cuộc trưng cầu. Theo đó, áp lực “loại trừ” các đại diện Anh từ bộ máy chính trị, kinh tế chung của EU sẽ dần hiện rõ.

Ngày thứ 4 (27/6)

Sau những phản ứng bối rối vào hôm 26/6, Ủy ban châu Âu và các lãnh đạo sẽ có cuộc bàn thảo rõ ràng, bình tĩnh hơn về vấn đề Brexit. Liên minh này phải tìm cách lấp vào khoảng trống ngân sách trị giá 7 tỷ Euro hàng năm Anh đóng vào EU, vốn được đặt ra trong kế hoạch cho tới năm 2020.

EU cũng sẽ làm rõ nhanh nhất có thể tình trạng của các công ty, doanh nghiệp và cá nhân Anh  vẫn còn sử dụng quyền là thành viên của EU để thông thương, làm việc và sinh sống… và ngược lại.

Ngày thứ 5 (28/6)

Lãnh đạo các nước thành viên EU tham dự một hội nghị thượng đỉnh theo kế hoạch, bị hoãn từ hôm 23/6 do trùng với cuộc trưng cầu dân ý. Đây có thể là thời điểm ông Cameron đề cập tới Điều khoản 50 để bắt đầu quá trình “ly hôn” giữa Anh và EU.

Ngày thứ 6 (29/6)

Một trong những điều các lãnh đạo EU ưu tiên hàng đầu là ngăn “hiệu ứng domino” khiến các quốc gia thành viên khác nối gót London.  Họ sẽ nhấn mạnh mục tiêu, đưa ra các chính sách cụ thể hơn về các vấn đề nhức nhối của châu Âu như khủng hoảng di cư, mối quan hệ với Nga, đồng Euro. Vấn đề hội nhập của EU sẽ tập trung vào an ninh, quốc phòng. Những cải cách của khu vực đồng tiền chung sẽ là tâm điểm nghị sự và những chia rẽ giữa Đức, Pháp - nơi có tổng tuyển cử năm 2017 sẽ được quan tâm.

Trong năm 2017, vị trí chủ tịch Hội đồng EU theo lịch trình thuộc về Anh. Tuy nhiên kết quả cuộc trưng cầu đã biến điều này trở nên vô nghĩa. Vị trí này dự kiến sẽ thuộc về Estonia, Malta hoặc Croatia.

Năm 2018 và sau đó,

Hai năm sau khi Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon được áp dụng, Anh sẽ hoàn thành việc rời khỏi EU.