Điều khiển xe máy dưới 50cc phải có giấy phép lái xe: Cần lộ trình thực hiện phù hợp

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người điều khiển xe máy dưới 50cc và xe máy điện sẽ phải có giấy phép lái xe (GPLX) đã được quy định tại Quyết định số 2060/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về "Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”.

 Phần lớn đối tượng sử dụng xe máy dưới 50cc là học sinh. Ảnh: Hoàng Hiệp
Đảm bảo trật tự, ATGT và kéo giảm tai nạn
Chiến lược được xây dựng với quan điểm bảo đảm trật tự ATGT đường bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, trước hết của các cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng và người tham gia giao thông. Cùng đó thực hiện đồng bộ 5 trụ cột về ATGT đường bộ gồm: Quản lý Nhà nước, kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, ứng phó sau tai nạn theo hướng tiếp cận hệ thống ATGT hiện đại, an toàn, thông suốt, hiệu quả, thân thiện môi trường... Một trong những nội dung đáng chú ý nhất trong bản chiến lược là cấp GPLX cho người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cc, xe máy điện có công suất động cơ dưới 4 kW.

Trong nhóm giải pháp về người điều khiển phương tiện, Chính phủ đưa ra lộ trình từ năm 2021 - 2025 yêu cầu cơ quan chức năng điều chỉnh phân hạng GPLX cơ giới đường bộ phù hợp với Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ và đặc thù phương tiện tải Việt Nam; đào tạo, cấp GPLX cho người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cc, xe máy điện có công suất động cơ dưới 4 kW... Các chuyên gia cho rằng, "Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” sẽ là một trong những đòn bẩy giúp công tác đảm bảo trật tự, ATGT và kéo giảm TNGT trong thời gian tới có những bước tiến đáng kỳ vọng.

Số phận lận đận

Trên thực tế, quy định người đi xe máy dưới 50cc và xe máy điện có công suất dưới 4kW vốn đã được Bộ GTVT đưa ra nhưng có số phận tương đối lận đận. Cụ thể, trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) lần thứ nhất, Bộ GTVT đề xuất phân loại thành 17 hạng GPLX, trong đó bổ sung hạng A0 dành cho loại xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cc, xe máy điện có công suất dưới 4kW. Vào thời điểm đó, có nhiều ý kiến trái chiều nên khi tiếp thu ý kiến của dư luận, Bộ GTVT đã bỏ quy định bắt buộc người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện phải có bằng lái hạng A0. Thay vào đó, điều chỉnh theo hướng cấp GPLX hạng A1 cho người từ 16 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi. Quy định này nhấn mạnh, đối tượng này chỉ được điều khiển xe máy điện có công suất không vượt quá 4kW, xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cc. Đến khi các em đủ 18 tuổi trở lên sẽ được điều khiển xe có dung tích xi lanh lớn hơn, không phải học và thi. Việc này vừa bảo đảm đạt được mục tiêu đảm bảo ATGT cho học sinh chưa đủ 18 tuổi, vừa cắt giảm điều kiện, thủ tục hành chính.

Thế nhưng, sau khi đề xuất được gỡ bỏ khỏi Dự luật Giao thông đường bộ sửa đổi, vẫn có không ít ý kiến đề nghị đưa lại quy định này. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực giao thông cho rằng, việc yêu cầu đối tượng điều khiển xe máy dưới 50cc và xe máy điện phải có GPLX là cần thiết. Bởi những loại phương tiện này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông nguy hiểm không kém gì các loại mô tô, xe máy có phân khối lớn hơn nhưng người điều khiển lại không bắt buộc phải có GPLX.

Tính toán phương án, hình thức phù hợp

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng, nghiên cứu về tai nạn giao thông của Bệnh viện Việt Đức năm 2017 cho thấy có tới 80% số vụ cấp cứu do tai nạn giao thông xảy ra ở nhóm trẻ từ lớp 8 đến lớp 12 và trên 80% thương vong cũng nằm trong nhóm này. Phần lớn tai nạn liên quan đến học sinh đi xe máy điện, mô tô dưới 50cc. Trong khi đó, học sinh đi loại xe này nhưng không được trang bị kiến thức về tham gia giao thông an toàn, không phải học bằng lái, không phải sát hạch. “Yêu cầu bắt buộc người điều khiển nhóm phương tiện dưới 50cc phải học và thi lấy GPLX là cần thiết, nhằm nâng cao nhận thức trong việc chịu trách nhiệm cho hành vi giao thông của mình. Đồng thời, cũng là giúp trang bị những kiến thức, kỹ năng ATGT bài bản, có hệ thống cho người ở độ tuổi vị thành niên” – ông Khuất Việt Hùng khẳng định.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy đồng tình với quan điểm trên: "Đáng ra, chúng ta phải làm điều này từ lâu rồi. Theo tôi, những loại phương tiện như xe máy dưới 50cc hay xe đạp điện dưới 4kW chỉ có thể chạy với tốc độ 30 - 40km nhưng khi di chuyển trong nội thành vẫn thừa sức gây tai nạn, thậm chí tai nạn nghiêm trọng”. TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng điều quan trọng nhất là làm sao để học sinh, sinh viên phải trải qua các khóa đào tạo, sát hạch về kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện cũng như quy định của Luật Giao thông đường bộ trước khi cho phép lái xe ra đường. Còn việc cấp GPLX hay chỉ cấp chứng chỉ chỉ là hình thức. Các cơ quan thực hiện có thể cân nhắc, xem hình thức nào thuận tiện hơn thì áp dụng.

Xoay quanh quy định trên, GS.TS Từ Sỹ Sùa – giảng viên cao cấp Đại học GTVT khẳng định, đây là quy định hết sức bình thường vì nhiều nước trên thế giới đều đã áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định trên cần phải có lộ trình và tính toán các phương án cũng như hình thức thực hiện cho phù hợp, bởi đối tượng chịu tác động chủ yếu của quy định này là học sinh độ tuổi từ 16 - 18. “Ngoài những quy định cứng thì việc tuyên truyền, giáo dục và có phương pháp tiếp cận hợp lý rất quan trọng. Khi áp dụng vào thực tế cần có lộ trình rõ ràng, căn cơ để tránh “sốc” vì sẽ tác động đến đối tượng còn ít tuổi, rất nhạy cảm” – GS.TS Từ Sỹ Sùa nói.

Quy định bằng lái đối với người điều khiển xe mô tô dưới 50cc không chỉ giúp bịt lỗ hổng trong quản lý phương tiện và người lái, mà còn góp phần tăng cường công tác bảo đảm ATGT đối với nhóm đối tượng sử dụng phương tiện này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền
Luật Giao thông đường bộ 2001 cũng quy định về việc người lái xe gắn máy dưới 50cc phải có chứng chỉ học Luật Giao thông đường bộ nhưng không được thực hiện. Nguyên nhân quy định trên bị “lãng quên” có thể do lực lượng tuần tra kiểm soát không kiểm tra, xử lý đối với người lái phương tiện xe máy dưới 50cc, đồng thời chưa có quy định xử phạt cụ thể. Do đó, cần bổ sung mức phạt nếu không có chứng chỉ nhưng vẫn điều khiển phương tiện, như vậy mới hiệu quả.

Nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Thân Văn Thanh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần