Điều trị phòng ngừa bệnh loãng xương

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh loãng xương là một trong những bệnh thường gặp nhất nhưng diễn biến từ từ và thầm lặng.

Người bị loãng xương thường không biết mình bị bệnh, cho đến khi bị biến chứng gãy xương. Gãy xương do loãng xương thường gặp nhất ở cổ tay, đốt sống và cổ xương đùi.
Cần chẩn đoán sớm

Với tốc độ lan tràn được ví như dịch hiện nay, dự tính năm 2050, trên thế giới sẽ có tới 6,3 triệu trường hợp gãy cổ xương đùi do loãng xương, và 51% số này thuộc các nước châu Á.

Gãy xương do loãng xương có thể xảy ra ngay cả trong những hoạt động hàng ngày, làm cho người bệnh đau đớn, mất khả năng vận động, mất khả năng sinh hoạt tối thiểu. Đặc biệt ở người lớn tuổi, gãy đốt sống và gãy cổ xương đùi không chỉ gây tàn phế mà còn làm tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh.

Bệnh loãng xương dễ chẩn đoán, nhưng một khi đã bị loãng xương, điều trị chỉ có thể làm giảm 50% nguy cơ gãy xương. Do vậy, phải chẩn đoán sớm và điều trị sớm để ngăn ngừa không cho gãy xương do loãng xương xảy ra. Bệnh loãng xương có thể phòng ngừa, ngoại trừ do yếu tố di truyền, bằng cách thay đổi chế đô dinh dưỡng và tập luyện thể chất đúng cách.
 Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Phạm Hùng
Loãng xương được định nghĩa là một rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm tổn thương sức mạnh của xương đưa đến tăng nguy cơ gãy xương. Sức mạnh của xương bao gồm sự toàn vẹn cả về khối lượng và chất lượng của xương. Cấu trúc hóa học của xương gồm có: 1/3 protein gồm 90% collagen, cấu trúc dạng mạng lưới, bắt chéo giúp xương có sức chịu lực và 2/3 chất khoáng gồm những tinh thể có cấu trúc dạng đĩa gắn vào mạng lưới collagen với thành phần chính là calcium, phosphor, magne.

Loãng xương được chia thành 3 loại. Thứ nhất là loãng xương người già (loãng xương tiên phát) có đặc điểm tăng quá trình hủy xương đồng thời giảm quá trình tạo xương. Thứ hai là loãng xương sau mãn kinh có đặc điểm tăng quá trình hủy xương và quá trình tạo xương bình thường. Cuối cùng là loãng xương thứ phát do các yếu tố nguy cơ như suy dinh dưỡng, còi xương bởi chế độ dinh dưỡng kém là yếu tố quan trọng nhất; tiền căn gãy xương trong gia đình; ít hoạt động thể lực ngoài trời; thói quen sử dụng chất kích thích như rượu bia thuốc lá; bất động do bệnh lâu ngày hoặc nghề nghiệp; một số bệnh lý nội khoa mãn tính như rối loạn hấp thu, bệnh nội tiết, suy thận, thoái hóa khớp; tình trạng sử dụng dài hạn một số thuốc như insulin, heparin, corticosteroid, thuốc chống động kinh.

Biểu hiện lâm sàng

Loãng xương có biểu hiện lâm sàng như đau mỏi mơ hồ ở cột sống, đau dọc các xương dài (đặc biệt là xương cẳng chân), đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, hay bị chuột rút (vọp bẻ) các cơ. Đau thực sự cột sống, đau lan theo khoanh liên sườn, đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế. Có thể đau mãn tính hoặc cấp tính sau chấn thương (gãy xương cổ tay, gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi, gù lưng, giảm chiều cao.
Tuy nhiên, loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm, người ta thường ví bệnh giống như một tên ăn cắp thầm lặng, hàng ngày cứ lấy dần calci trong ngân hàng dự trữ xương của cơ thể con người. Khi có dấu hiệu lâm sàng thường là lúc đã có biến chứng, cơ thể đã bị mất tới 30% khối lượng xương. Biến chứng của loãng xương như đau kéo dài do chèn ép thần kinh, gù vẹo cột sống, biến dạng lồng ngực, gãy xương cổ tay, gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi và giảm khả năng vận động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người có tuổi. Chi phí điều trị biến chứng gãy xương do loãng xương không kém gì chi phí điều trị tai biến mạch máu não (đột quỵ) hay nhồi máu cơ tim. Mặc dù được điều trị nhưng khoảng 30% có thể hội nhập trở lại với cuộc sống xã hội và nguy cơ tái gãy xương luôn rình rập.

Yếu tố dinh dưỡng quan trọng trong điều trị

Do đó, phòng ngừa và điều trị sớm bệnh loãng xương là vấn đề cấp thiết mà chúng ta cần phải quan tâm. Yếu tố dinh dưỡng là quan trọng nhất, cụ thể: ngay từ lúc sinh ra đề ngừa suy dinh dưỡng, còi xương cho bé; để tăng chiều cao cho trẻ thanh thiếu thiếu niên, để xương chắc khỏe cho mọi người. Phòng ngừa bệnh loãng xương bằng việc “đầu tư cho xương” càng sớm càng tốt.
Hãy bổ sung ngay sữa và các sản phẩm từ sữa vào khẩu phần ăn hàng ngày của mọi người trong gia đình, nếu có thể. Nếu khối lượng xương đỉnh lúc trưởng thành tăng 10%, sẽ giảm được 50% nguy cơ gãy xương do loãng xương trong suốt cuộc đời.

Chúng ta đừng đợi có dấu hiệu lâm sàng của loãng xương như đã nêu trên, hãy sớm có kế hoạch cho việc khám sức khỏe, đo loãng xương định kỳ theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Phòng bệnh sẽ kinh tế hơn chữa bệnh rất nhiều, đây là giải pháp tốt nhất cho mọi quốc gia, đặc biệt các nước nghèo như nước ta.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần