Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều trị thuốc ARV sớm, giảm nguy cơ lây nhiễm

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tuân thủ điều trị thuốc kháng virus HIV (ARV) giúp bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS cải thiện rõ rệt tình trạng sức khỏe và kéo dài thời gian sống. Tại Hà Nội, trên 95% số bệnh nhân sau 12 tháng điều trị thuốc ARV đã đạt được kết quả tốt, số lượng virus trong máu dưới ngưỡng phát hiện. Nhờ đó, số người nhiễm mới hàng năm, đặc biệt số trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, đã giảm đáng kể.

Hỗ trợ, chăm sóc điều trị bệnh nhân

Chia sẻ về công tác tư vấn, xét nghiệm HIV, bác sĩ Vũ Đức Cường - Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế (TTYT) quận Thanh Xuân cho biết, năm 2020, TTYT quận đã tư vấn và xét nghiệm HIV cho 1.011 khách hàng (tại điểm tư vấn xét nghiệm tự nguyện (VCT) Thanh Xuân là 991 khách hàng), trong đó có 54 trường hợp dương tính. Tính đến tháng 9/2021, TTYT quận đã tư vấn và xét nghiệm cho 919 khách hàng, trong đó có 65 trường hợp dương tính.
 Tư vấn cho khách hàng tại Phòng khám điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV tại TTYT quận Thanh Xuân. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội
Năm 2020, 2021, quận Thanh Xuân đã tăng cường quảng bá các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại TTYT và kết nối với các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng (CBO), tăng cường chất lượng chăm sóc điều trị cho bệnh nhân nên số ca dương tính phát hiện được tại TTYT đạt trên 100% chỉ tiêu được giao. Số bệnh nhân tăng từ 276 người vào tháng 12/2020 lên đến 317 người tính đến tháng 9/2021. Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống HIV/AIDS, thời gian tới, các đơn vị tăng cường phát hiện mới người nhiễm HIV để kết nối điều trị; đồng thời, đổi mới công tác truyền thông, trong đó, tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng để người dân hiểu về hiệu quả to lớn của điều trị ARV. Từ đó, các đơn vị chủ động tiếp cận dịch vụ xét nghiệm và điều trị HIV và không phân biệt, kỳ thị với người nhiễm HIV. Đồng thời, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tư vấn, xét nghiệm, mở rộng điều trị ARV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và tăng cường thực hiện BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS cũng như các dịch vụ y tế khác trên địa bàn để đảm bảo hiệu quả, ổn định, lâu dài cho công tác phòng chống HIV.

Đảm bảo hiệu quả, ổn định, lâu dài

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội TS Lã Thị Lan cho biết, Hà Nội có 23 cơ sở điều trị HIV/AIDS. Đến tháng 9/2021, toàn TP có 13.481 người nhiễm HIV đang duy trì điều trị ARV tại các cơ sở y tế công lập. Con số này giảm hơn cùng kỳ năm 2020 là 1.016 bệnh nhân. Do thực hiện khám, chữa bệnh qua bảo hiểm y tế (BHYT) từ 1/7/2021 nên toàn bộ bệnh nhân ngoại tỉnh không có thẻ BHYT hoặc thẻ BHYT không sử dụng được tại Hà Nội sẽ chuyển về các tỉnh để tiếp tục điều trị. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bệnh nhân được tư vấn chuyển gửi về gần nơi sinh sống nhận thuốc và điều trị, để họ đỡ phải di chuyển từ vùng có dịch sang vùng không dịch và ngược lại. Điều này, tạo nên sự biến động bệnh nhân lớn hơn các năm trước. Cụ thể là trong 9 tháng đầu năm 2021, có 758 bệnh nhân chuyển đến, 2.129 bệnh nhân chuyển đi.

Về kết quả thực hiện mục tiêu 90 thứ nhất “90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình”, tính đến ngày 31/8/2021, Hà Nội chỉ đạt 80% (19.254/24.000). Số người nhiễm HIV đang điều trị ARV ước tính cả ở cơ sở công lập và tư nhân đạt 85%. Với kết quả này, TS Lã Thị Lan cho rằng, đòi hỏi chương chình cần nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu 95% số người nhiễm HIV được biết tình trạng của mình và 95% được điều trị ARV vào năm 2030.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội TS Lã Thị Lan, hiệu quả của điều trị ARV rất lớn, không chỉ cá nhân người bệnh được cải thiện sức khỏe mà còn phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Năm 2021, 98,7% bệnh nhân có kết quả xét nghiệm tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (1.000 Cp/ml máu). 95% số bệnh nhân điều trị đạt mức dưới 200 Cp/ml máu. Với ngưỡng virus trong máu thấp thế này, bệnh nhân sẽ không lây truyền HIV qua quan hệ tình dục cho bạn tình, kể cả khi không sử dụng bao cao su; đặc biệt, sẽ không lây truyền HIV từ mẹ sang con. “Tại Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm nay, có 56 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đều được điều trị phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV. Qua đó, đã có 28 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV và cũng được được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV; 16/28 trẻ sinh đã được làm xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV sớm bằng phương pháp PCR và tất cả đều có kết quả âm tính. Nhiều năm nay, hầu hết trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đã điều trị ARV thì đều có kết quả âm tính ” - TS Lã Thị Lan cho hay.