Đây có thể là lúc các nhà hoạch định chính sách và quy hoạch đô thị cần định hình lại các TP hậu Covid-19, từ những bài học kinh nghiệm trên khắp thế giới thời gian qua.
Cơ hội cải thiện môi trường và không gian
Khoảng 55% dân số thế giới đang sống ở các TP và đến năm 2050, con số này dự kiến sẽ tăng lên 68%, tập trung nhiều nhất ở các nước đang phát triển. Các TP cũng tạo ra hơn 80% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều người hơn đồng nghĩa với nhiều ô tô, xe máy hơn, ùn tắc giao thông và ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Vào một số thời điểm nóng trong đại dịch, nhiều TP đã không khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng do lo ngại về không gian chung có thể tạo cơ hội cho virus lây lan. Kể từ khi các TP bắt đầu mở cửa trở lại, lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng vẫn chưa thể phục hồi. Ở nhiều TP, hành trình bằng ô tô cá nhân hiện đã vượt quá mức trước đại dịch. Xu hướng này không bền vững, vì nó dẫn đến tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm nhiều hơn.
Tuy nhiên, chính cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này là cơ hội chưa từng có để các TP tái khởi động và đưa phương tiện giao thông trở nên tốt hơn. Ví dụ, địa điểm làm việc linh hoạt đã cung cấp một giải pháp cho những giờ đi lại cao điểm vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều. Các TP như New York (Mỹ) và London (Anh) đã tận dụng thời gian hạn chế vì Covid-19 để phân bổ lại không gian đường, tạo ra các lối đi bộ rộng hơn và đường dành riêng cho xe đạp.
“Khi chúng ta quay trở lại lối sống trước đại dịch, việc làm cho các phương tiện giao thông thay thế dễ tiếp cận và hấp dẫn đối với tất cả mọi người sẽ là chìa khóa để giảm sự phụ thuộc vào ô tô. Để làm được như vậy, chúng ta phải cải thiện môi trường đường phố để biến đi bộ và đi xe đạp trở thành những lựa chọn hấp dẫn nhất cho những chặng đường ngắn. Đồng thời cung cấp nhiều dịch vụ hơn, chất lượng hơn để làm cho phương tiện giao thông công cộng trở thành lựa chọn hấp dẫn nhất cho những chặng đường dài hơn” - Anna Allwright, chuyên gia chiến lược tại tập đoàn vận tải công cộng và quốc phòng Cubic của Mỹ nói.
Với rất nhiều văn phòng và DN đóng cửa trong thời gian xảy ra dịch bệnh, người dân đã đổ xô đến các công viên và vùng nông thôn để tập thể dục và tìm kiếm cơ hội giải tỏa khỏi các khu sống chật chội. Nhưng không phải khu phố nào cũng được tiếp cận với thiên nhiên và không gian ngoài trời thuận lợi như nhau.
Các phương pháp tiếp cận như “thành phố 15 phút” của Paris (Pháp) hoặc “superblock” của Barcelona (Tây Ban Nha) là những lời giải cho nhu cầu về một không gian đô thị xanh hơn, dễ đi bộ hơn ở các TP đông dân cư.
Chẳng hạn, superblock - siêu khối - là kế hoạch tạo lập vùng 9 khối, trong đó giao thông bị hạn chế ở các đường lớn xung quanh đường cao tốc, để lại các đường bên trong cho người đi bộ, đi xe đạp và cung cấp không gian xanh. Với từng chỉ tiêu cụ thể, mục tiêu cuối cùng của kế hoạch là đảm bảo không có cư dân nào của TP ở cách không gian xanh quá 200m.
Số hóa bình đẳng, dễ tiếp cận
Trong năm 2020 - 2021, ứng dụng kỹ thuật số đã trở thành chiến lược chính để tránh những tác động tồi tệ nhất đến việc học và việc làm bởi đại dịch, với tốc độ số hóa của thế giới trong năm qua ước tính đạt được tiến bộ của 7 năm trước đó cộng lại. Chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội về mặt kinh tế và xã hội, từ việc thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế đến việc cung cấp một loạt các kỹ năng giáo dục và lao động hoàn toàn mới. Tuy nhiên, nếu không đi kèm với các chính sách hòa nhập kỹ thuật số phù hợp, nó cũng có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa những người hưởng lợi từ toàn cầu hóa và những người vốn đã chịu thiệt thòi hơn.
Ví dụ, một cuộc khảo sát trên toàn Barcelona đã cho thấy, 1% dân số của TP không có kết nối internet tại nhà do không đủ nguồn lực kinh tế. Con số này được cho vẫn là quá lớn ở một TP thịnh vượng như Barcelona. Sự bất bình đẳng về kinh tế cũng đã vạch định loại thiết bị mà mọi người sở hữu và khả năng sử dụng internet của họ. Điều này dẫn đến việc, 56% người lao động thu nhập thấp không thể làm việc từ xa và 6,5% sinh viên không thể theo học trực tuyến tại Barcelona vì lý do kinh tế.
Barcelona đã nhanh chóng phản ứng bằng một kế hoạch khẩn cấp về hòa nhập kỹ thuật số, trong đó cung cấp hàng nghìn thiết bị, kết nối internet và các kỹ năng kỹ thuật số mới cho các gia đình có thu nhập thấp. Thủ đô Buenos Aires (Argentina) cũng đã tiến hành một kế hoạch tương tự. Chính quyền TP này đã cung cấp các điểm truy cập wifi miễn phí ở các khu dân cư nghèo để hỗ trợ học trực tuyến, đồng thời đào tạo giáo viên thực hiện giáo dục trực tuyến. TP này cũng phát triển một tài khoản WhatsApp gọi là BOTI để chia sẻ thông tin với người dân và giải quyết nhiều câu hỏi liên quan đến Covid-19 song song với trung tâm khẩn cấp.
Các quốc gia được lưu ý nên đặt khả năng sống lên hàng đầu trong chính sách đô thị. Những tiến bộ công nghệ, chẳng hạn như robot và trí tuệ nhân tạo, có thể thay thế một lượng lớn công nhân. Bất bình đẳng đô thị, thất nghiệp và sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan được thúc đẩy bởi thông tin sai lệch trực tuyến có thể tạo điều kiện cho tình trạng bất ổn xã hội trong tương lai.
Chuyên gia Anna Allwright nhận định: “Khả năng phục hồi, tính bền vững và thiết kế thông minh là những chủ đề trọng tâm có thể nâng cao khả năng sẵn sàng của các TP để đối phó với những thách thức của thế kỷ XXI”. Tuy nhiên, các TP trên khắp thế giới đồng thời phải đối mặt với những thách thức riêng biệt của chính mình, bao gồm quy mô dân số đa dạng và các điều kiện địa lý và kinh tế khác nhau.
"Trong khi có rất nhiều điều để học hỏi lẫn nhau, các nhà hoạch định chính sách và quy hoạch đô thị vẫn phải cân nhắc các yếu tố địa phương khi họ định hình lại các TP hậu Covid-19." - Chuyên gia Anna Allwright