Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Định hình phương thức quản trị công mới từ chính quyền đô thị] Bài 1: Bước chuyển mạnh hướng tới người dân

Nhóm PV TSCT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 tháng đã qua tính từ dấu mốc quan trọng (ngày 1/7/2021) – TP Hà Nội chính thức triển khai “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị (CQĐT)” tại các phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Dù chưa đủ thời gian để đánh giá về một phương thức quản trị công mới, nhưng qua thực tiễn cho thấy, CQĐT đang thúc đẩy tính hiệu quả, tự chủ, năng động của cơ sở, để phục vụ người dân và DN nhanh hơn, tốt hơn.

Với nhiều quy định mới, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc thù đô thị... và với sự đón nhận của người dân, mô hình CQĐT đang tạo được sự tin tưởng về tinh gọn, nhanh hơn trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), thông suốt hơn trong chỉ đạo, điều hành.
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Tây Hồ. Ảnh: Thanh Hải
Phục vụ người dân đô thị tốt hơn, nhanh hơn

“Nhanh” và “gọn” là nhận xét của đa số người dân khi đến làm TTHC tại UBND các phường hiện nay. Trước đây, khi đến làm các TTHC đơn giản như chứng thực chữ ký, sơ yếu lý lịch, căn cước công dân… cán bộ phường sẽ phải hẹn người dân quay lại để trả kết quả vào một buổi khác. Nhanh thì trong ngày, còn thường là hẹn sang hôm sau. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện việc ủy quyền chứng thực đối với công chức Tư pháp – Hộ tịch (một điểm mới trong mô hình CQĐT), người dân chỉ mất vài phút đã xong việc.

Ghi nhận của phóng viên tại bộ phận một cửa phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm), chuyên viên Đỗ Thị Quỳnh niềm nở đón tiếp người dân đến chứng thực sơ yếu lý lịch, nhanh chống tiến hành xử lý các bước tiếp theo để công chức Tư pháp – Hộ tịch Nguyễn Thị Tâm chứng thực hồ sơ. Kể từ khi người dân đến cho đến khi họ được nhận kết quả, chỉ mất khoảng 5 phút đồng hồ. Tại phường Trung Tự (quận Đống Đa), ông Nguyễn Mạnh Hùng (khu tập thể Trung Tự) ra phường để thực hiện các TTHC. Ông rất hài lòng khi từ ngày 1/7 đến nay, dù “bận” chống dịch, bộ máy rút gọn hơn, nhưng hoạt động của phường vẫn hiệu quả và chất lượng phục vụ tốt hơn. “Bản thân tôi thấy Chính phủ nên có đánh giá sớm để triển khai trên toàn quốc để phục vụ người dân được tốt hơn”- ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.

Phường Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây) dù khó khăn về kinh tế, tuy nhiên, trong nhiều năm, luôn là hình mẫu của thị xã trong giải quyết TTHC và khi chuyển sang CQĐT, phường càng thực hiện tốt hơn nội dung này. Chủ tịch UBND phường Ngô Quyền Vũ Tiến Quang cho biết, lãnh đạo các phường trên địa bàn thị xã đều đã ký ủy quyền cho một cán bộ Tư pháp - Hộ tịch (có thời gian công tác từ 2 năm) ký chứng thực, đúng là rất thuận tiện, người dân, DN không mất thêm thời gian đi lại. Bởi trong nhiều trường hợp lãnh đạo phường bận công tác chuyên môn, chống dịch thì cán bộ có thể chủ động, không cần chờ đợi.

Từ thực tế của phường, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ, thời điểm thực hiện thí điểm CQĐT đúng vào lúc làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, do đó có hai nhiệm vụ chính đồng thời đặt ra với địa phương. Phường đã tiến hành chuyển đổi mô hình tiếp dân cho phù hợp trong điều kiện thực tế; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, ứng dụng dịch vụ công mức độ 3 - 4. Mặt khác, việc này cũng góp phần nâng cao trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức để thực hiện CQĐT được tốt hơn. “Đến thời điểm này, qua hoạt động hơn 5 tháng thuận lợi vẫn là chủ yếu, mang lại hiệu quả trong nhiều hoạt động”- ông Nguyễn Ngọc Phương nhận định.

Là một địa bàn có gần 2 vạn dân, nhiều chung cư, nên lượng hồ sơ TTHC phải giải quyết hằng ngày khá lớn, Chủ tịch UBND phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) Lê Thành Vinh cũng cho biết: Dù chưa đủ thời gian để đánh giá về một mô hình thí điểm, nhưng điều dễ nhận thấy nhất là chính quyền phục vụ người dân đô thị tốt hơn, không chỉ trong chứng thực, mà với những TTHC khác cũng giải quyết nhanh hơn trước, nhiều giấy tờ được trả ngay, người dân không phải chờ.

Phát huy tính năng động của cán bộ, công chức

Theo đánh giá của lãnh đạo các phường, triển khai mô hình CQĐT đã giúp tăng vai trò trách nhiệm của công chức. Như Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) Nguyễn Dân Huy phân tích. “Trước kia, cán bộ Tư pháp – hộ tịch là người thẩm hồ sơ để lãnh đạo phường ký. Thông thường, số lượng hồ sơ chứng thực lên đến hàng trăm mỗi ngày, một lãnh đạo phường không thể nào tự giám sát, buộc phải tin vào anh em. Điều đó dẫn đến hai tâm lý, một là người thẩm định chủ quan do không phải chịu trách nhiệm; hai là tâm lý của lãnh đạo rất lo lắng bởi chỉ giám sát bằng cách ngẫu nhiên. Vì vậy, khi ủy quyền chứng thực hồ sơ cho cán bộ Tư pháp – Hộ tịch cũng chính là cách tăng vai trò, trách nhiệm của cán bộ”. Nhiều ý kiến cũng nhận định, toàn bộ công chức của phường hiện nay thuộc quận quản lý, tự mỗi cán bộ phải ý thức tốt lên. Minh chứng rõ nhất được thể hiện qua đợt cao điểm phòng chống dịch vừa qua, dù khó khăn, chính quyền các phường ở Hà Nội đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, mọi việc không bị xáo trộn dù mới vận hành theo quy chế mới.

Theo Chủ tịch UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) Lưu Đình Lượng, ở mô hình mới, trách nhiệm của Chủ tịch phường trở nên rõ ràng hơn, lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc theo quy chế. Do đó bản thân lãnh đạo phường cũng phải nêu cao tinh thần chủ động và sáng tạo, kỹ năng ra quyết định trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Qua đó, giúp đánh giá được năng lực quản lý điều hành của thủ trưởng cơ quan.

Tại quận Hai Bà Trưng, Chủ tịch UBND phường Phố Huế Phan Bá Tường cũng nhận định, hiệu quả thiết thực lớn nhất do CQĐT mang lại là mọi công việc ở phường được giải quyết nhanh gọn, thông thoáng hơn, vì thực hiện chế độ thủ trưởng. Chủ tịch UBND phường không phải xin ý kiến tập thể nữa mà được quyết định nhiều việc, nhưng đi liền với quyền đó là trách nhiệm cá nhân phải được đề cao, nặng nề hơn. Từ thực tiễn, ý kiến của Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) Vũ Hồng Thanh cũng là ý kiến của lãnh đạo nhiều phường được trao đổi. Mô hình này không những giúp tinh giản bộ máy chính quyền, giảm chi phí vận hành bộ máy, mà buộc từ lãnh đạo đến cán bộ, công chức phường phải chuyên nghiệp hơn, gần dân, sát dân hơn, mang đúng tính chất chính quyền phục vụ.

Những thay đổi về cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và đội ngũ công chức UBND phường đã và đang mang lại hiệu quả bước đầu trong điều hành, quản lý, thực thi nhiệm vụ phục vụ người dân và DN. Bộ máy hành chính được tinh gọn, tiết kiệm ngân sách, khắc phục sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan. Tính chủ động, thẩm quyền và chế độ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp quận, cấp phường được phát huy tốt hơn.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến
Từ thực tiễn tại phường tôi thấy việc nhân rộng mô hình CQĐT trên cả nước là việc cần thiết. Việc tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng chính quyền hoạt động đồng bộ, thông suốt trong quản lý đã và đang đáp ứng tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân.

Chủ tịch UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa) Nguyễn Thao Hùng

Ban đầu mới thực hiện CQĐT, chúng tôi gặp nhiều bỡ ngỡ, bởi đây là mô hình mới, cách tiếp cận còn khó khăn. Qua quá trình thực hiện, đã dần từng bước ổn định, thích nghi dần, và mọi nhiệm vụ dần được cập nhật, hoàn thành theo chức năng. Đặc biệt, trong giải quyết TTHC cũng như những yêu cầu phát sinh tại địa bàn cũng chủ động hơn.

Chủ tịch UBND phường Ngô Quyền (Thị xã Sơn Tây) Vũ Tiến Quang

(Còn nữa)