Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Định hình tương lai khu vực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh có những lo ngại về sự phục hồi ì ạch của kinh tế toàn cầu, Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 diễn ra từ 5 – 11/11 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với chủ đề “Định hình tương lai thông qua hợp tác châu Á - Thái Bình Dương”

 Trong bối cảnh có những lo ngại về sự phục hồi ì ạch của kinh tế toàn cầu, Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 diễn ra từ 5 – 11/11 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với chủ đề “Định hình tương lai thông qua hợp tác châu Á - Thái Bình Dương” là cơ hội để các nước trong khu vực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, đẩy mạnh sáng tạo, cải cách và phát triển kinh tế.

Cơ hội thúc đẩy hội nhập kinh tế và khu vực

6 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đà tăng trưởng vẫn còn khiêm tốn và tồn tại nhiều thách thức hơn dự tính như giá hàng hoá giảm, dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi, khủng hoảng Ukraine và bất ổn chính trị bắt nguồn từ sự trỗi dậy của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng… Vì thế, với chương trình nghị sự tập trung chủ yếu về thương mại, hội nhập đầu tư, đổi mới, tăng trưởng toàn diện và kết nối, lãnh đạo các thành viên APEC cho thấy quyết tâm phát triển kinh tế và kết nối khu vực.
Toàn cảnh Hội nghị APEC lần thứ 22 diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 6/11.            Ảnh: Tân Hoa Xã
Toàn cảnh Hội nghị APEC lần thứ 22 diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 6/11. Ảnh: Tân Hoa Xã
Diễn ra nhân kỷ niệm 25 năm hình thành APEC và 20 năm thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, Hội nghị dự kiến sẽ thông qua 15 văn kiện hợp tác nhằm hiện thực hóa 3 ưu tiên hợp tác gồm: Liên kết kinh tế khu vực; phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế; kết nối khu vực và phát triển hạ tầng.

Trên thực tế, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho chuỗi các hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị quan chức cấp cao APEC đã bế mạc hôm 6/11 và đạt được đồng thuận ở 4 lĩnh vực. Theo đó, tại Hội nghị lần này, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, bàn thảo việc thúc đẩy xây dựng Khu thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); xúc tiến hợp tác chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy hợp tác kinh tế kỹ thuật châu Á- Thái Bình Dương; nghiên cứu cách thức hỗ trợ khu vực châu Á - Thái Bình Dương triển khai các cơ chế thương mại đa biên như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)...

Việt Nam – thành viên tích cực, chủ động của APEC

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC. Ngoài ra, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ tham dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế vào ngày 7 - 8/11 và tháp tùng Chủ tịch nước dự Hội nghị Cấp cao.

Việt Nam gia nhập APEC vào năm 1998, đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong 16 năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp hợp tác APEC. Nổi bật là Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch APEC năm 2006, với việc đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 14, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 18 và hơn 100 sự kiện, đưa ra triển vọng dài hạn về hướng tới mục tiêu hình thành FTAAP, Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện các mục tiêu Bogor và các biện pháp cải cách tổng thể đã góp phần tạo nên những động lực mới cho hợp tác APEC. Việt Nam là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, với 80 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực; đã đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC; đăng cai tổ chức nhiều hoạt động quan trọng của APEC; đã đề xuất và được thông qua 9 sáng kiến để triển khai trong năm 2015 về thành lập Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam...

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần này nhằm tiếp tục triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương, tích cực tham gia, đóng góp với các quan tâm chung của APEC và các nội dung quan trọng của Hội nghị.