Định vị thương hiệu cho nông sản

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết, đòi hỏi nông sản Việt Nam cần được nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu nhằm định vị tại thị trường trong nước và quốc tế.

Trái cây Việt Nam đã được xuất khẩu ra thị trường một số nước trên thế giới. Ảnh: Thế Vinh
Số lượng khiêm tốn, tên tuổi nhạt nhòa
Những năm gần đây, cùng với đầu tư nâng cao chất lượng nông sản, nhiều địa phương trong nước đã và đang tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay, đến nay, Hà Nội đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu tập thể bảo hộ cho nông sản. Những sản phẩm này đang được tiêu thụ ổn định, đạt giá trị cao tại thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành.
Một số mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta đứng ở vị trí cao trên bản đồ xuất khẩu thế giới nhưng thứ hạng về giá xuất khẩu lại rất thấp. Cụ thể, hạt tiêu xếp thứ nhất nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ 8; hạt điều xếp thứ nhất nhưng giá xuất khẩu đứng thứ 6; gạo, cà phê đứng trong nhóm thứ 2 và thứ 3 nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ 10.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản
Tuy nhiên, so với thế mạnh và tiềm lực, số lượng nông sản được đăng ký thương hiệu vẫn rất khiêm tốn. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước có hơn 800 sản phẩm nông, lâm, thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao, song mới chỉ có 60 nông sản đăng ký bảo hộ thành công dưới dạng chỉ dẫn địa lý và khoảng 160 nhãn hiệu đặc sản đăng ký xác lập quyền và được bảo hộ pháp lý. Còn theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, chỉ có khoảng 15% trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam là của các DN trong nước và có đến hơn 80% hàng nông sản Việt được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản có ý nghĩa rất lớn trong khẳng định chất lượng và nâng tầm giá trị. Nông sản sau khi có thương hiệu thường có giá trị cao gấp 2 - 3 lần so với sản phẩm chưa có thương hiệu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều DN và địa phương chưa thực sự chú trọng đến vấn đề này mà còn chạy theo số lượng đơn hàng xuất khẩu.
Thắt chặt liên kết
Theo phản ánh của nhiều DN, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản ở nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, kể cả đối với nhãn hiệu hàng hóa hay chỉ dẫn địa lý. Nguyên nhân một phần là do kinh phí đăng ký tương đối lớn, chi phí cho luật sư nước sở tại, cơ quan sở hữu trí tuệ thẩm định đơn đăng ký, tìm hiểu/khảo sát thị trường. Trong khi DN nông nghiệp nước ta chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ nên chi phí tài chính cho những vấn đề này không dễ dàng.
Nhằm tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Chẳng hạn, các chương trình phát triển thương hiệu của Chính phủ, chương trình hỗ trợ phát triển đặc sản địa phương của các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020. Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đang phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tìm cách đăng ký sở hữu trí tuệ cho một số sản phẩm chủ lực, đặc sản tại các thị trường lớn: Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản. Bộ NN&PTNT cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu cho 5 mặt hàng có thế mạnh, gồm: Xoài, thanh long, chè, cà phê, cá tra. Đặc biệt, gần đây, Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng, quản lý, chỉ dẫn địa lý.
Tuy nhiên, để xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, ngoài nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, rất cần sự chung tay của các DN. Nhiều chuyên gia khuyến nghị, muốn tạo dựng thương hiệu, DN cần đầu tư chế biến sâu các sản phẩm song song với tổ chức liên kết sản xuất, bám sát các tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng, ATTP của các thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, cần giúp khách hàng nhận biết, phân biệt được sản phẩm của Việt Nam so với các nước khác thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá hình ảnh nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần