DN ngoài Nhà nước thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đạt thấp

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Phát triển phong trào thi đua Giỏi việc nước, đảm việc nhà trong nữ công nhân lao động khu vực ngoài Nhà nước” là chủ đề hội thảo do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức sáng nay (25/10) tại Hà Nội. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Nguyễn Thị Thu Hồng chủ trì hội thảo.

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được Tổng LĐLĐ phát động năm 1989, đến nay đã trở thành phong trào truyền thống của nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ). Phong trào xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi chị em, được nhân thêm sức mạnh, lan toả và kết nối, nhằm phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, giúp chị em thêm bản lĩnh vươn lên, tự khẳng định mình trong công việc, trong cuộc sống. Từ thực tiễn phong trào này, các cấp công đoàn đã linh hoạt, sáng tạo và cụ thể hóa thành các phong trào phù hợp từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể.
Bên cạnh đó, phong trào luôn có sự gắn kết với phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”…, vì vậy, ngày càng có ý nghĩa không chỉ với nữ CNVCLĐ mà còn với toàn xã hội. Hàng năm có trên 90% nữ CNVCLĐ đăng ký danh hiệu thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và đạt danh hiệu ở 3 cấp…

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, khối doanh nghiệp (DN), nhất là DN ngoài Nhà nước, DN mới thành lập, công ty cổ phần, DN có vốn đầu tư nước ngoài với nhiều công nhân trẻ, tỷ lệ đăng ký thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và đạt danh hiệu thi đua còn thấp.
Việc triển khai và bình xét danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” còn lúng túng, tỷ lệ nữ công nhân lao động (CNLĐ) trực tiếp sản xuất được khen thưởng chưa tương xứng. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả khách quan từ phía DN và từ hoạt động công đoàn cơ sở, do nữ CNLĐ chưa nhận thấy đầy đủ ý nghĩa của phong trào này đối với bản thân cũng như đối với sự phát triển của DN, đối với phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cơ sở.
Vì vậy, “với tiếng nói từ thực tiễn phong phú của đại diện các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn khu công nghiệp, các công đoàn cơ sở và nữ CNLĐ khu vực DN ngoài Nhà nước, hội thảo này là cơ hội để cùng thảo luận tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất góp phần đưa phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đến được với nữ CNLĐ khu vực ngoài nhà nước, để công đoàn cơ sở tổ chức tốt phong trào thi đua này”, bà Hồng nhấn mạnh.
Hội thảo đã đi sâu bàn luận về các nội dung: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong CNLĐ khu vực ngoài Nhà nước ở các địa phương; nâng cao tỷ lệ nữ khu vực ngoài nhà nước đăng ký, tham gia thực hiện phong trào; kinh nghiệm triển khai thực hiện phong trào trong CNLĐ khu vực ngoài Nhà nước gắn với phong trào „Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; đề xuất sửa đổi bổ sung tiêu chuẩn xét danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” khu vực ngoài nhà nước cho phù hợp với đối tượng nữ CNLĐ trực tiếp sản xuất...

Những ý kiến tại hội thảo sẽ là cơ sở để Tổng LĐLĐ sửa đổi, bổ sung Văn bản 196/HD-TLĐ ngày 12/2/2015 hướng dẫn phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” ngày càng có hiệu quả hơn.