Do đâu Big C "đuổi" Thế Giới Di Động ?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Bắt đầu từ tháng 9/2016, toàn bộ 22 cửa hàng của Thế Giới Di Động bị buộc phải rút ra khỏi hệ thống siêu thị Big C.

Trong báo cáo về tình hình kinh doanh 8 tháng đầu năm 2016 của Thế giới Di động (MWG) vừa công bố mới đây, DN này đã đề cập tới việc rút 22 cửa hàng của mình ra khỏi hệ thống siêu thị Big C. Tính cho đến thời điểm hiện tại, đã không còn một cửa hàng nào của MWG xuất hiện trong các địa điểm kinh doanh của siêu thị trên.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Đặng Thanh Phong - Giám đốc truyền thông của MWG đã xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết quá trình chuyển các cửa hàng ra khỏi Big C đã được tiến hành ngay trong tháng 8/2016. Lý do cho sự rút lui trên đơn thuần chỉ nằm ở khía cạnh kinh doanh.

 Từ 1/9 sẽ không còn các cửa hàng của Thế Giới Di Động tại Big C
Cách đây khoảng 1 năm, MWG có mở các cửa hàng tại Big C chủ yếu là bán điện thoại, qua đó nhằm tạo điều kiện cho khách hàng vào siêu thị có thể tham khảo thêm mặt hàng này. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, MWG muốn chuyển đổi các cửa hàng này sang bán mặt hàng điện máy nhưng lại không đạt được thỏa thuận với Big C vì vậy DN đã đưa ra quyết định rút lui, ông Phong lý giải.

Được biết, việc MWG mở các cửa hàng trong chuỗi hệ thống Big C là mô hình rất phổ biến với tên gọi “shop in shop” và thường được áp dụng tại các siêu thị lớn trên thế giới. Mặc dù mô hình kinh doanh này mang lại nhiều lợi ích cho cả bên bán, bên cho thuê mặt bằng cũng như khách hàng nhưng có thể khẳng định, tới hiện tại, việc áp dụng đã thất bại với MWG. Ngay chính MWG cũng đã khẳng định doanh thu của 22 cửa hàng nói trên là khá thấp so với mặt bằng chung của hơn 1.000 điểm bán khác ở bên ngoài của mình.

Việc đóng cửa 22 cửa hàng của MWG tại hệ thống Big C không có tác động đáng kể đến doanh thu cũng như tăng trưởng của DN trong năm 2016, ông Phong khẳng định.

Về phía Big C, đại diện đơn vị này khẳng định đây chỉ là một quyết định kinh doanh bình thường, nguyên nhân do cả 2 bên đều không đạt được lợi ích chung. Việc chấm dứt hợp đồng giữa Big C với MWG là hoàn toàn tự nguyện và hợp tác.

Mặc dù cả 2 bên đều cho rằng hành động "chia tay" trên là hoàn toàn bình thường nhưng cũng cần phải lưu ý, trước thời điểm tháng 4/2016, MWG và Big C vẫn đang hợp tác rất vui vẻ. Và như đã biết, sau thời điểm tháng 4/2016, Big C tại Việt Nam đã được Tập đoàn bán lẻ Thái Lan - Central Group mua lại. Không những thế, Central Group còn đang nắm giữ 49% cổ phần của siêu thị điện máy Nguyễn Kim, một DN kinh doanh cũng lĩnh vực với MWG.

Như vậy, không khó để nhận định, việc "đuổi" MWG ra khỏi hệ thống của mình là một trong những động thái của Big C nhằm dọn đường cho Nguyễn Kim vào thế chỗ. Bởi từ nhiều năm nay, MWG luôn là đối thủ đáng gờm của bất cứ nhà bán lẻ điện thoại, điện máy nào tại Việt Nam.

Việc Nguyễn Kim đặt chân được vào Big C cũng giúp DN này bành trướng đáng kể mạng lưới, qua đó có thể cải thiện được tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong vài năm trở lại đây.

Nói về nhận định trên, ông Vũ Vinh Phú Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, chỗ trống mà MWG để lại chắc chắn sẽ dành cho hàng điện máy của Thái Lan, và hoàn toàn có khả năng Central Group sẽ thực hiện điều này thông qua Nguyễn Kim. Đây là diễn biến đáng báo động nếu biết hiện 3/4 hàng điện máy tại Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan và với địa điểm bán hàng tại Big C được đánh giá là "cực đẹp", hàng Thái sẽ càng có cơ hội xâm nhập được sâu hơn.

Không chỉ đối với điện máy mà từ lâu rồi người Thái đã luôn nhòm ngó tới các mặt hàng khác như mỹ phẩm, thời trang, nông sản ... Không hiếm sản phẩm từ quốc gia này có giá cả và chất lượng hơn hẳn hàng Việt điều này đang tạo áp lực rất lớn lên các ngành hàng trong nước. Nếu các đơn vị bán lẻ trong nước không liên kết lại với nhau, bên cạnh đó là nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, hàng Thái hoàn toàn có thể lấn áp hàng Việt ngay trên sân nhà, ông Phú cảnh báo.

Trong 8 tháng đầu năm 2016, MWG đã khai trương 384 siêu thị mới trên toàn quốc. Hiện tại, DN đang có 880 siêu thị Thegioididong.com và 137 siêu thị Điện máy Xanh.

Về kết quả kinh doanh, tính tới hết tháng 8/2016, MWG đạt 27.028 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lũy kế đạt 1.120 tỷ đồng. Doanh thu online đạt 1.877 tỷ đồng.

Với chuỗi thử nghiệm Bách Hóa Xanh cũng có những kết quả ban đầu tích cực với doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng tăng trưởng liên tục và đã đạt trên 1 tỷ/cửa hàng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần