Độ mở việc làm thực tế từ liên kết doanh nghiệp và nhà trường

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Với vai trò là cầu nối các doanh nghiệp với nhà trường, hàng loạt các hoạt động, chương trình thông qua dự án Lab – Movie tài trợ được Hanoisme tổ chức để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn về việc làm.

Các chuyên gia tham gia sự kiện tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành – TP Hồ Chí Minh.
Các chuyên gia tham gia sự kiện tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành – TP Hồ Chí Minh.

Điểm mới trong liên kết

Trong năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức.

Nguyên nhân xuất phát từ huy động vốn trong và ngoài nước chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chất lượng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước chưa cao, môi trường đầu tư còn nhiều khó khăn, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điểm mới trong hoạt động, Hanoisme đã tham gia dự án nghiên cứu đánh giá thực trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam, từ đó đưa ra khuyến nghị đổi mới chính sách, nâng cao chất lượng đào tạo đại học tại Việt Nam và thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp.

Chương trình thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn, khảo sát nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp và đào tạo sinh viên, hàng quý có các kết quả báo cáo trực tiếp đến phụ trách dự án ở châu Âu để đưa ra được hướng đào tạo tốt nhất, phù hợp nhất cho các sinh viên đang học theo chương trình hợp tác.

Có thể kể đến, trong khuôn khổ dự án Lab - Movie (Labour Market Observatory in Vietnam universities được quỹ Erasmus+ của Liên minh châu Âu tài trợ giai đoạn 2020 – 2023), Hanoisme tham gia khóa tập huấn “Nghiên cứu thị trường lao động ở các trường đại học Việt Nam” tại trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh Thái Nguyên.

Hoạt động ký kết hợp tác để phát triển.
Hoạt động ký kết hợp tác để phát triển.

Chương trình với sự tham gia của các thành viên dự án đến từ các trường đại học, doanh nghiệp châu Âu gồm Đại học Salamanca (Tây Ban Nha), Đại học Nova Lisbon (Bồ Đào Nha), Đại học Padova (Italia), Công ty STEPS Srl… cùng các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục trong nước gồm: Đại học Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Học viện Nông nghiệp, Đại học Nguyễn Tất Thành…

Với vai trò là thành viên của dự án, Hanoisme nỗ lực phối hợp cùng các trường tham gia khảo sát thông tin doanh nghiệp, triển khai các chương trình và hoạt động đồng hành, tạo điều kiện cho các thành viên của tổ nghiên cứu tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp để cập nhật thông tin cụ thể và chính xác trong 3 lĩnh vực: Du lịch, nông sản, công nghệ thông tin và viễn thông về vấn đề lao động và việc làm.

Khảo sát nhu cầu từ thực tiễn

Cụ thể hóa hành động, Hanoisme và Trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên ký kết hợp tác đào tạo, tuyển dụng và tài trợ. Theo biên bản ghi nhớ, hai bên thống nhất tiếp nhận và tạo điều kiện cho các bạn sinh viên được tham quan, thực tập tại các doanh nghiệp, tổ chức tọa đàm, hội thảo, ngày hội tuyển dụng, cung cấp và kết nối với nhà tuyển dụng.

Hai bên cũng thống nhất xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn cho giảng viên và sinh viên, hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, thực hiện các đề tài, dự án. Cùng với đó, Hanoisme đồng hành, tài trợ các chương trình xây dựng quỹ phát triển KHCN, xây dựng và chuyển đổi công năng cơ sở vật chất và các chương trình xã hội phục vụ công đồng khác...

Tiếp nối dự án Lab-Movie, năm 2022, Hanoisme đã tham gia hội thảo trực tiếp cùng nhóm công tác bao gồm gần 30 thành viên là điều phối viên, nghiên cứu viên và nhân viên IT của dự án đến từ các trường đại học: Padova (Italia), Salamanca (Tây Ban Nha), Nova Lisbon (Bồ Đào Nha), Công ty STEPS Srl, Đại học Hà Nội, Công nghiệp Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Nguyễn Tất Thành, Hiệp hội du lịch tỉnh Thái Nguyên.

Báo cáo kết quả nghiên cứu khảo sát các doanh nghiệp trong 3 lĩnh vực du lịch, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin và viễn thông cho thấy, trong bối cảnh khó khăn, các thành viên đều đã nỗ lực để đạt được mục tiêu đề ra với hơn 200 doanh nghiệp tham gia, thu được dữ liệu liên quan đến yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của hơn 40 vị trí việc làm.

Chia sẻ, kết nối tại Bồ Đào Nha.
Chia sẻ, kết nối tại Bồ Đào Nha.

Chương trình đã định hướng giúp sinh viên có cái nhìn đầy đủ, cụ thể và có hướng tiếp cận chính xác vào thị trường lao động trong và ngoài nước, cũng như giúp những nhà quản lý giáo dục, các giảng viên tìm ra phương pháp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu quốc tế.

Trong thời gian tới, kế hoạch tập huấn dự án tiếp tục được triển khai và ra kết quả giúp nâng cao năng lực cho các trường cao đẳng, đại học của Việt Nam trong việc tiếp nhận các công cụ và phương pháp thu thập, lưu trữ, giám sát dữ liệu sinh viên sau tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu chung của Bộ GD&ĐT; Phát triển năng lực cho các trường cao đẳng, đại học của Việt Nam để khai thác dữ liệu về người tốt nghiệp.

Từ đó, đánh giá và đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng, đại học của Việt Nam; Nâng cao sự hợp tác trong công tác theo dõi người học sau khi tốt nghiệp giữa Bộ GD&ĐT và các trường cao đẳng, đại học của Việt Nam; Mở rộng sự kết nối giữa chương trình đào tạo của các trường cao đẳng, đại học của Việt Nam với nhu cầu của xã hội và tình trạng thực tế của thị trường lao động. Đồng thời, xây dựng một Trung tâm quốc gia theo dõi khả năng tham gia thị trường lao động và thành công trong sự nghiệp của sinh viên sau tốt nghiệp, tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường lao động cho sinh viên Việt Nam.

 

Hanoisme tăng cường nhiều hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại trong nước, đặc biệt với nước ngoài, thông qua các chương trình tọa đàm, diễn đàn kinh tế, liên kết đào tạo. Các doanh nghiệp có nhiều cơ hội áp dụng vào thực tế, tìm kiếm được nhân lực,đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài, cũng như có thể tìm kiếm và nhập khẩu được những nguyên liệu có chất lượng nâng cao thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp Việt nhằm phát triển ngày một bền vững và lớn mạnh..

 



 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần