Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam chiếm ưu thế ở Mỹ

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất ở Mỹ - thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 2 thế giới.

Chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu tại một nhà máy ở Bình Dương. Ảnh: Sơn Trang.  
Chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu tại một nhà máy ở Bình Dương. Ảnh: Sơn Trang.  

Mỹ là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 2 thế giới sau thị trường EU. Năm 2023, do ảnh hưởng của lạm phát, khó khăn kinh tế, người tiêu dùng giảm chi tiêu..., nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ đạt 19,8 tỷ USD, giảm 21,7% so với năm 2022.

Sau khi giảm mạnh trong năm 2023, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ đang tăng trưởng trở lại. Theo Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC), 2 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của nước này đạt 3,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ tăng đáng kể trong 2 tháng đầu nay là do tình hình kinh tế Mỹ đang có xu hướng cải thiện, lượng hàng tồn kho tại nước này đang có xu hướng giảm mạnh, trong khi xu hướng tiêu dùng đang có tín hiệu phục hồi.

Đáng chú ý, các nhà nhập khẩu của Mỹ đánh giá cao và xác định Việt Nam là thị trường cung ứng mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ quan trọng trên thế giới. Chính vì vậy, trong sự tăng trưởng trở lại về nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ, Việt Nam đóng vai trò quan trọng nhất.

2 tháng đầu năm, đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ đạt 1,4 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ 2023. Trong tốp 10 thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho Mỹ, Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất. Và ngoài Việt Nam, chỉ có 4 thị trường khác tăng trưởng dương, 5 thị trường còn lại tăng trưởng âm.

Với sự tăng trưởng như trên, Việt Nam tiếp tục là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ, chiếm 40,8% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ trong 2 tháng đầu năm (2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam chiếm 37,1% thị phần đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu vào Mỹ).

2 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, trừ mặt hàng đồ nội thất nhà bếp và đồ nội thất văn phòng. Đáng chú ý những mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ chính Mỹ đang có xu hướng tăng nhập khẩu đều là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn…

Bên trong một nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu. Ảnh: Sơn Trang.  
Bên trong một nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu. Ảnh: Sơn Trang.  

Trong đó, ghế khung gỗ đang là mặt hàng nội thất xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. 3 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu ghế khung gỗ đạt 765,3 triệu USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 21,6% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Mỹ là thị trường lớn nhất của ghế khung gỗ Việt Nam, đạt 595,2 triệu USD trong quý I, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 77,8% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, thương nhân ngành gỗ, dù xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đang tăng trưởng mạnh trở lại, nhưng vẫn nên theo dõi kỹ các diễn biến của thị trường này.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết, vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tiêu dùng ở thị trường Hoa Kỳ như lạm phát ở nước này hiện vẫn còn cao hơn so với mức 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) kỳ vọng. Trong khi đó, lãi suất thế chấp nhà ở Hoa Kỳ lại tăng cao, tới trên 7%. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản ở Hoa Kỳ, qua đó, tác động tới nhu cầu tiêu dùng đồ nội thất bằng gỗ. Bên cạnh đó, người dân Hoa Kỳ đang ở trong tâm lý chờ đón kết quả của cuộc bầu cử tổng thống, nên chưa mạnh dạn chi tiêu.

Ngoài ra, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường Hoa Kỳ. Cùng với đó, Hoa Kỳ cũng đang xem xét ban hành hàng loạt các thay đổi trong điều tra phòng vệ thương mại với xu hướng ngày càng khó khăn cho doanh nghiệp và có khả năng tăng mức thuế trong tương lai.

Gỗ nguyên liệu trong kho của một nhà máy ở Bình Dương. Ảnh: Sơn Trang.  
Gỗ nguyên liệu trong kho của một nhà máy ở Bình Dương. Ảnh: Sơn Trang.  

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang sửa đổi các quy định về phòng vệ thương mại. Theo đó, sẽ có một số điều chỉnh liên quan đến công tác điều tra, chống bán phá giá, chống trợ cấp, bao gồm cách xác định các mức chống trợ cấp mới, và đưa ra khái niệm về thị trường đặc biệt trong điều tra chống bán phá giá. Đây là những nội dung mà các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần hết sức lưu ý trong thời gian tới.

Với ngành gỗ Việt Nam, Hoa Kỳ đang tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất. Tổng cục Hải quan cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ chiếm 54,3% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Tỷ trọng của thị trường Hoa Kỳ vượt xa so với các thị trường đứng sau như Trung Quốc (13,6%), Nhật Bản (11,1%), Hàn Quốc (5,1%) …