Đô thị vệ tinh cần ngay hay cho tương lai?

Vân Hằng - Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/12, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội đã tổ chức Hội thảo “Cơ hội và giải pháp thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh TP Hà Nội” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, lãnh đạo sở ngành, quận huyện của Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện các cơ hội và thách thức trong việc phát triển các đô thị vệ tinh, từ đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy thu hút các nguồn lực phát triển đô thị vệ tinh, tạo khâu đột phá của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Toàn cảnh Hội thảo cơ hội và giải pháp thúc đẩy đô thị vệ tinh TP Hà Nội.
Phát biểu tại buổi Hội thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ khá nhanh. Diện mạo đô thị, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao. Trong giai đoạn tới, để đạt được các yêu cầu phát triển hài hòa trên toàn địa bàn Thủ đô, giảm sức ép cho đô thị trung tâm, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói chung và khu vực ngoại thành nói riêng, việc phát triển các đô thị vệ tinh là bước đi tất yếu của Thủ đô Hà Nội.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định định hướng quan trọng trong phát triển không gian Thủ đô Hà Nội là “Thiết lập lại cấu trúc đô thị” với nội dung: Phát triển hệ thống đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái có ranh giới rõ ràng nhằm đấp ứng sự tăng trưởng dân số và việc làm trong thời gian tới của Hà Nội. Bằng mọi cách hạn chế sự phát triển lan rộng và thiếu kiểm soát thông qua việc xây dựng các vành đai xanh có ranh giới rõ ràng xunh quanh khu vực TP.

Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái được liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và quốc gia. 5 đô thị vệ tinh được xác định là: Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Mỗi đô thị đều được xác định với các chức năng riêng biệt, sau khi được hình thành sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm áp lực về dân cư, giảm sức ép cho khu vực nội đô, tạo động lực phát triển kinh tế trong vùng và các khu vực lân cận, kiến tạo không gian kiến trúc cảnh quan hiện đại tại các cửa ngõ Thủ đô.

Đại diện Sở QH-KT Hà Nội, Phó Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung - quy hoạch chuyên ngành Lã Hồng Sơn cho biết, các đô thị vệ tinh trong quy hoạch sẽ có chức năng chia sẻ hỗ trợ đô thị trung tâm và mục tiêu hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh là thu hút sự dịch chuyển dân số đến học tập, làm việc, sinh sống. Căn cứ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch chung các đô thị vệ tinh được duyệt và căn cứ tính chất quy mô, loại hình sản xuất của các cơ sở công nghiệp, TP sẽ thống nhất đề xuất địa điểm mới, trong đó dự kiến có khoảng 138 cụm công nghiệp.
Đô thị vệ tinh Hòa Lạc dành 200ha, Sóc Sơn 100ha, Phú Xuyên 200ha, Sơn Tây 50ha để bố trí cơ sở y tế. Về cơ sở giáo dục khu vực đại học Hòa Lạc có quy mô 1.100 - 1.200ha với 120.000 - 150.000 sinh viên; khu đại học Sóc Sơn quy mô 600 - 650ha với 80.000 - 100.000 sinh viên. Khi hình thành các khu công nghiệp, khu đại học tại đây sẽ vừa góp phần giảm tại cho đô thị trung tâm, vừa thu hút sự dịch chuyển dân cư đến học tập, làm việc và sinh sống.

Là một trong những nơi có quy hoạch đô thị vệ tinh, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho rằng, điều kiện phát triển đô thị là tốt đẹp nhưng có thực hiện được không lại cần phải giải quyết triệt để nhiều vấn đề, trong đó nổi bật nhất là hệ thống giao thông kết nối vệ tinh với trung tâm. Thực tế hệ thống giao thông đô thị vệ tinh Xuân Mai còn hạn chế. Hiện nay, QL6 đoạn từ Xuân Mai - Hà Đông chưa được triển khai đồng bộ nên gây khó khăn trong tiếp cận nội đô, kéo theo sự khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư…

Đồng quan điểm, theo các chuyên gia bên cạnh những thuận lợi trong việc phát triển 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội thì hiện còn rất nhiều khó khăn phải đối mặt. Mặc dù đã có 4 đô thị vệ tinh được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng, nhưng hệ thống quy hoạch của các đô thị vệ tinh vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Trong đó, quan trọng nhất là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các đô thị vệ tinh vì đây là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá động lực phát triển các đô thị vệ tinh.
Bên cạnh đó là khó khăn trong huy động các nguồn vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng. Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, trong bối cảnh TP Hà Nội còn rất nhiều lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư thì việc bố trí ngân sách nhà nước cho xây dựng, phát triển các đô thị vệ tinh là rất khó thực hiện và đến nay hầu như chưa được quan tâm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần