Kinh doanh khả quan giữa khó khăn
Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc mở rộng sản xuất, kinh doanh của các DN, nhất là khối DN bán lẻ. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh đang được nhiều DN công bố đầu năm cho thấy, trong khó khăn, cán bộ, nhân viên đã tìm ra nhiều giải pháp để duy trì và phát triển sản xuất.
Tại Masan, doanh thu thuần hợp nhất năm 2021 đạt 88.629 tỷ đồng, tăng 14,8% so với mức 77.218 tỷ đồng của năm 2020. Không tính doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi trong tháng 12/2020 theo cơ sở so sánh tương đương, doanh thu thuần trong năm tài chính 2021 và quý 4/2021 tăng trưởng lần lượt là 16,6% và 17%. Lợi nhuận thuần sau thuế sau phân bổ cho cổ đông của công ty năm 2021 tăng 593,9%, đạt 8.563 tỷ đồng so với mức 1.234 tỷ đồng trong năm 2020.
“Trong năm qua, Masan không ngừng tích hợp các mảnh ghép chiến lược và hoàn thiện mô hình bán lẻ mini-mall, sẵn sàng để nhân rộng trên toàn quốc. Mục tiêu sắp tới là chuyển đổi The CrownX trở thành nền tảng tiêu dùng – công nghệ hàng đầu”- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang cho biết.
Với Hòa Phát, trong bối cảnh nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương, Dung Quất (Quảng Ngãi), Hưng Yên vẫn hoạt động hết công suất để phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Tập đoàn đã cung cấp cho thị trường tổng cộng 8,8 triệu tấn thép bao gồm phôi, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép và tôn mạ, tăng 35% so với cùng kỳ. Lũy kế năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu 150.800 tỷ đồng, tăng 65% so với 2020. Lợi nhuận sau thuế lần đầu cán mốc 34.520 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm và tăng 1,56 lần với năm trước.
Tại SHB, năm 2021, ngân hàng này vẫn phát triển phát triển mạnh mẽ với hơn 530 điểm giao dịch trong và ngoài nước, phục vụ hơn 5 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và kết nối tới 400 ngân hàng đại lý trên khắp các châu lục. Tính đến 30/12/2021, SHB có tổng tài sản đạt 506,5 nghìn tỷ đồng. Vốn điều lệ hiện nay đạt hơn 26.674 tỷ đồng. Vốn tự có theo chuẩn Basel II đạt 53.231 tỷ đồng.
Báo cáo Chiến lược thị trường tháng 2/2022 của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, theo số liệu cập nhật đến ngày 7/2, khoảng 60% công ty trên HOSE (đại diện 81% vốn hóa) đã công bố kết quả kinh doanh quý 4/2021 cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức 10,7%. Trong đó, nhóm 24 công ty thuộc rổ VN30 đã công bố lợi nhuận tăng trưởng ở mức 4,5%.
Việc cắt giảm thuế VAT từ ngày 1/2 sẽ là động lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa, bên cạnh khả năng mở cửa lại đường bay quốc tế. Do vậy, doanh số bán lẻ và dịch vụ trong tháng 2/2022 sẽ là một biến số được mong đợi theo chiều hướng tích cực.
Bắt tay thực hiện kế hoạch từ những ngày đầu, tháng đầu
Trên nền tảng kết quả kinh doanh tốt năm 2021, ngay từ đầu năm 2022, hàng loạt các kế hoạch cũng như các thương vụ lớn đã được DN mạnh tay xuống tiền.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang cho biết, năm 2022, Masan sẽ số hóa nền tảng từ sản xuất, hậu cần cho đến phân phối để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Bước đi này không chỉ giúp tối ưu 10% chi phí hoạt động, mà còn vận dụng hiệu quả công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và machine learning (máy học) để nâng cao hiểu biết về khách hàng nhằm phục vụ các sản phẩm dịch vụ tốt nhất. Masan hướng đến xây dựng một nền tảng công nghệ tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời mang đến lợi ích hơn nữa cho người tiêu dùng, cổ đông và đối tác.
Theo đó, Masan tiếp tục đầu tư vào Phúc Long khi tháng 1/2022, Tập đoàn này mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%. Với giá 110 triệu USD cho 31% cổ phần tương ứng định giá vốn cổ phần của Phúc Long là 355 triệu USD, P/E xấp xỉ 15x dựa trên ước tính lợi nhuận sơ bộ năm 2022. Kể từ khi nhận được khoản đầu tư ban đầu của Masan, Phúc Long thể hiện sức mạnh cộng hưởng mạnh mẽ với chiến lược POL. Chiến lược này sẽ tăng tốc hơn nữa khi Phúc Long trở thành công ty thành viên của Masan.
Sau khi sở hữu cổ phần kiểm soát Công ty Cổ phần Mobicast (Mobicast), công ty start-up trong lĩnh vực mạng di động, Masan đã triển khai thí điểm các gói dữ liệu viễn thông mang thương hiệu “Reddi” tại một số điểm bán thuộc WCM và dự kiến mở rộng ra khắp toàn quốc trong năm 2022. Mobicast là mảnh ghép chính để Masan xây dựng chương trình khách hàng thân thiết nhờ vào chính sách thu hút khách hàng mới dựa trên hợp tác thương hiệu. Chương trình sẽ giúp khách hàng thân thiết tận hưởng các gói dữ liệu thiết yếu miễn phí nhờ ưu đãi hoàn tiền khi mua sắm trên toàn hệ sinh thái của Masan.
Trước đó, cuối tháng 1/2022, Tasco cũng hợp tác phát triển dự án Chi Đông Riverside 40ha- dự án tại thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh chủ đầu tư là CTCP Xây Dựng Số 9 – Vinaconex 9. Với việc tham gia phát triển dự án này, Tasco đang khẳng định sự tái xuất tại thị trường bất động sản cao cấp sau khi đã phát triển và tích lũy quỹ đất lớn tại Hà Nội như Khu biệt thự Foresa Villa 38 ha, Khu đô thị Xuân Phương Residence 49ha, Dự án Tòa nhà Trần Duy Hưng 2.800 m2, Dự án Tasco Building Dương Đình Nghệ gần 2.900m2…