Doanh nghiệp chủ động đưa hàng đến người tiêu dùng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đoàn kiểm tra thực hiện cuộc vận đông (CVĐ) Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của TP đã làm việc với một số DN trên địa bàn TP.

Báo cáo với đoàn kiểm tra vào ngày 2/7, bà Trần Thị Diệu Hương - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hà Nội (là thành viên Tổng Công ty Thương Mại Hà Nội - Hapro) – cho biết, đơn vị tham gia CVĐ ngày từ năm 2009, qua 6 năm đã đưa hàng chục chuyến hàng Việt đến nhiều huyện, như: Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì..., KCN Phú Nghĩa bán hàng dịp Tết nguyên đán, ngày lễ. Công ty trở thành địa chỉ quen thuộc, những năm gần đây, có huyện, gần dịp Tết đã gọi điện cho Công ty để cùng phối hợp tổ chức bán hàng cho bà con trên địa bàn, tạo không khí phấn khởi.
Bà Trần Thị Diệu Hương - giám đốc Hapro giới thiệu với đoàn kiểm tra các sản phẩm do Việt Nam sản xuất
Bà Trần Thị Diệu Hương - Giám đốc Hapro giới thiệu với đoàn kiểm tra các sản phẩm do Việt Nam sản xuất
Vận dụng chính sách bình ổn giá, Công ty đã đưa giá hàng cạnh tranh, phương thức bán mới, như: khách mua 10 gói mì tôm tặng 1; mua 1 chai nước mắm tặng gói gia vị.., được bà con miền núi ưu thích. Mới đây, Công ty còn tham gia tiêu thụ vải quả (Bắc Giang), dưa hấu Quảng Ngãi, hành Tím (Sóc Trăng)..., theo chương trình liên kết của Tổng công ty Hapro, được đánh giá cao, hiệu quả.

Với 1 siêu thị, 9 cửa hàng bán lẻ, Công ty Thực phẩm Hà Nội có tỷ lệ hàng Việt chiếm 60 – 80%; doanh thu đạt trên 200 tỷ đồng/năm, hoạt động ổn định, hiệu quả. Hiện Công ty chủ trương, từ các chi nhánh bán hàng tại TP Hồ Chí Minh, nhân rộng đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại huyện Phúc Thọ, đại diện siêu thị Hạnh Nguyên cho biết, có 90% hàng trưng bày bán là của Việt Nam. Lý giải điều này, đại diện siêu thị cho rằng, bà con quan niệm, hàng của ta nay đã tốt, cái chính là phù hợp với túi tiền. Nhờ những chương trình khuyến mại, quảng bá, hoạt động kinh doanh của siêu thị khá ổn định, đáp ứng nhu cầu những hàng hóa thiết yếu cho Nhân dân địa phương. 

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị qua đợt kiểm tra, Phó Chủ tịch MTTQ TP Lê Thị Kim Oanh – Trưởng đoàn công tác cho rằng, điểm mới, các DN kinh doanh thương mại, đã chủ động đưa hàng Việt Nam đến người tiêu dùng. Mỗi đơn vị, đều rút ra phương thức kinh doanh, linh hoạt, chú trọng hơn đến người tiêu dùng, nhất là bà con ngoại thành, công nhân KCN, để tạo dựng thương hiệu, uy tín.

Đối với các DN sản xuất, nhất là xuất khẩu, đã tăng cường tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước, đổi mới công nghệ, chú trọng mẫu mã, dạng hóa sản phẩm gắn với nhu cầu tiêu dùng thiết yếu và giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, một trong những khó khăn, DN vẫn đang phải đối mặt, là năng lực tuyên truyền quảng cáo còn thua xa các DN nước ngoài.

Qua báo Kinh tế & Đô thị, xin kiến nghị, giá quảng cáo báo in đã phù hợp, nhưng truyền hình còn cao, nhiều DN trong nước không kham nổi, nhất là các DN vừa và nhỏ, hộ sản xuất gia đình. Ban chỉ đạo CVĐ đã xuất bản cuốn sổ tay Người tiêu dùng – giới thiệu những những sản phẩm tiêu biểu sản xuất của Việt Nam, nhưng mới phát hành đến khu dân cư; mong có thêm các đơn vị, DN tài trợ để xuất bản, phát hành rộng tới tổ, thôn, xóm để Nhân dân biết và mua hàng Việt Nam nhiều hơn, như mục tiêu của Đảng, Nhà nước và Thành phố đề ra.