Doanh nghiệp chủ lực trong chương trình bình ổn giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hapro là một trong những DN chủ lực của ngành công thương Hà Nội trong triển khai thực hiện các chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng.

Báo cáo của Hapro cho thấy, trong những năm qua, để đưa hàng bình ổn giá đến tay người tiêu dùng (NTD), bên cạnh việc phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại, Hapro còn tổ chức gần 200  điểm bán hàng bình ổn giá lưu động và cố định. Thông qua hoạt động này, Hapro đã góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo thị trường ổn định, không xảy ra những cơn "sốt" giá, nhất là vào những dịp lễ, Tết, đồng thời đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Phát huy những thành quả đã đạt được, năm 2014, Hapro chủ động xây dựng phương án bán hàng bình ổn giá và đã được UBND TP Hà Nội tạm ứng 276,75 tỷ đồng vốn. Ngay sau khi tiếp nhận nguồn vốn, Hapro đã tích cực triển khai công tác đàm phán, tìm kiếm thêm các nhà cung cấp lớn, có uy tín trên thị trường với chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo.

Hiện, số lượng dự trữ 10 nhóm mặt hàng thiết yếu của Hapro gồm: 2.009 tấn gạo; 375 tấn thịt lợn, gà; 3.680 ngàn quả trứng gia cầm; 50 tấn thủy, hải sản; 555.000 lít dầu ăn; 943 tấn rau, củ... Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn tự có, Hapro còn chủ động dự trữ thêm các mặt hàng trong chương trình bình ổn giá và những mặt hàng có sức tiêu thụ cao như: 200 tấn thực phẩm chế biến, 100 tấn đường, 500.000 tập giấy vở học sinh... Thông qua việc dự trữ hàng hóa, Hapro đảm bảo cung cấp kịp thời hàng hóa ra thị trường với mức giá ổn định nếu xảy ra biến động, qua đó ngăn chặn tình trạng tăng giá đột biến.

 
Doanh nghiệp chủ lực trong chương trình bình ổn giá - Ảnh 1

Để đảm bảo việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu đến tay NTD, Hapro cũng đã xây dựng kế hoạch mở rộng tối đa mạng lưới phân phối tại hệ thống bán lẻ hiện đại. Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Hapro cho biết: Ngoài 50 điểm bán hàng cố định tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, Haprofood, các DN thành viên Hapro thông qua hình thức bán hàng phiên chợ Việt, bán hàng lưu động tại huyện ngoại thành, khu công nghiệp... còn tổ chức 174 chuyến bán hàng bình ổn giá.

Phần lớn hàng hóa đưa về phục vụ thị trường nông thôn là những mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, đồ dùng gia đình, thời trang... Nhưng điều quan trọng hơn cả là hầu hết các mặt hàng đều do các DN trong nước sản xuất nên giá bán thấp hơn từ 5 - 10% so với giá thị trường. Tuy nhiên, để thu hút NTD tìm mua hàng bình ổn giá, qua đó kích cầu tiêu dùng thì hoạt động thông tin, quảng bá chương trình là điều cần thiết. Nhằm thực hiện được mục tiêu này, tại hệ thống bán lẻ và các chuyến đưa hàng bình ổn giá về nông thôn, Hapro đã tận dụng nhiều hình thức truyền thông để cung cấp đến NTD về chương trình bình ổn giá của TP Hà Nội.

Bên cạnh đó, tại các điểm bán hàng bình ổn giá đều treo bảng niêm yết công khai giá bán, phối hợp với các cơ quan truyền thông công bố công khai các điểm bán hàng bình ổn giá... Bằng những hoạt động thiết thực, Hapro đã giúp đưa hàng Việt đến tay NTD. Báo cáo của Hapro cho thấy, mặc dù những chuyến bán hàng lưu động chỉ được tổ chức ngắn ngày, diện tích bán hàng chỉ 150 - 300m2 nhưng doanh thu bằng một siêu thị có diện tích tầm 500 - 600m2 tại trung tâm Hà Nội. Điều đó cho thấy, Hapro là một trong những DN chủ lực của ngành công thương Hà Nội trong hoạt động thực thi chương trình bình ổn giá.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần