Doanh nghiệp có hàng người tiêu dùng có quyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thông điệp của ngành công thương trong việc triển khai Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng (NTD)” năm 2016, qua đó hỗ trợ DN tiêu thụ hàng Việt.

Và trong tháng 3 này, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức phát động cao điểm Tháng vì quyền NTD từ ngày 1 – 31/3/2016.

Đưa Luật Bảo vệ người tiêu dùng tới người dân

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đánh giá, sau 5 năm triển khai Chương trình “Hành động vì quyền lợi NTD”, ngành công thương đã đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi NTD tới người dân và DN. Qua đó, NTD đã bước đầu biết họ có 8 quyền, đồng thời DN nhận thức vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.

Cùng với tổ chức tuần bán hàng vì NTD tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn; tổ chức ngày bán hàng qua điện thoại... Tổng đài 04.1081 đã tiếp nhận, giải đáp hơn 10.000 cuộc gọi hỏi về luật mới, về quyền và nghĩa vụ của NTD. Đồng thời, tổng đài cũng thông tin tới NTD chương trình “Hành động vì quyền NTD” của Hà Nội.
Nhân viên siêu thị HC tư vấn cho người tiêu dùng hiểu về quyền lợi của mình.	  Ảnh: Hoài Nam
Nhân viên siêu thị HC tư vấn cho người tiêu dùng hiểu về quyền lợi của mình. Ảnh: Hoài Nam
Mặc dù ngành công thương Hà Nội đã tích cực tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi NTD tới người dân, nhưng thực tế cho thấy, NTD mới chỉ nhận thức về quyền được khiếu nại, bồi thường khi mua phải những sản phẩm giả hoặc kém chất lượng. Chính vì vậy, trong lần tổ chức này, Sở Công Thương nhấn mạnh thông điệp “DN có hàng – người tiêu dùng có quyền”, qua đó khuyến khích, kêu gọi NTD hiểu rõ về 8 quyền của mình, đồng thời NTD nên phản hồi tới DN khi quyền lợi của chính DN  bị xâm phạm. Nhưng điều quan trọng hơn cả là chính bản thân NTD cần ý thức được trách nhiệm của mình trong việc phát hiện, tố cáo các hành vi gian dối tiêu chuẩn, chất lượng nhãn hiệu hàng hóa, giá cả… tới DN bị xâm hại, cơ quan quản lý và cộng đồng NTD. “Việc NTD phản ánh những sai phạm ảnh hưởng đến quyền lợi còn giúp các cơ quan chức năng kịp thời xử lý và giải quyết các vi phạm, thông qua đó, các DN cũng sẽ ý thức hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm” - ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Tối 12/3. tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Quyền của NTD Việt Nam. Trong dịp này, Bộ Công Thương và UBND TP Hà Nội sẽ phát động phong trào hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam 2016. Lễ công bố cũng chính là điểm nhấn, điểm khởi động cho chuỗi  hoạt động tiếp theo về bảo vệ quyền lợi NTD trên khắp cả nước. Chủ đề năm 2016 được Bộ Công Thương lựa chọn là “Quyền được an toàn của NTD”,đây là một trong 8 quyền cơ bản của NTD đã được quy định tại Điều 8 của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.

Để làm được việc này, bên cạnh hoạt động tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, Sở Công Thương còn tổ chức phát miễn phí 10.000 cuốn sổ tay hướng dẫn NTD về Luật Bảo vệ NTD. NTD có thể tìm hiểu thông tin về chương trình, về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD thông qua website www.quyennguoitieudunghanoi.vn, trang fanpage Hành động vì quyền NTD.

Thu hút doanh nghiệp Việt tham gia

Chương trình Hành động vì quyền lợi NTD có thể coi là động thái thiết thực nhằm kích cầu thị trường trong thời điểm trầm lắng như hiện nay. Ðây cũng là cơ hội để NTD tiếp cận với hàng sản xuất trong nước có chất lượng cao, giá hợp lý, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Thông qua đó thúc đẩy người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng thu hút 100 DN trên địa bàn Hà Nội bao gồm các DN bán lẻ thương hiệu lớn ở nhiều lĩnh vực kinh doanh điện máy, hàng tiêu dùng như: Siêu thị điện máy HC, Trần Anh; siêu thị kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu như: Hiền Lương, Hapro, Fivimart, Parkson... Đặc biệt, chương trình cũng thu hút sự tham gia của các DN sản xuất hàng Việt có thương hiệu như: Công ty Dệt kim Đông Xuân, Công ty Thực phẩm Hương Sơn, Công ty CP Chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại & Sản xuất giày dép da Việt Anh… Những DN này tổ chức gần 300 điểm bán hàng vì NTD, tăng gần 10% so với năm 2015.

Ðại diện siêu thị điện máy HC cho biết, tại các điểm bán hàng, DN sẽ tư vấn, hỗ trợ bảo hành, bảo trì miễn phí các sản phẩm đã hết hạn bảo hành kể cả sản phẩm không mua tại HC; khuyến mại, giảm giá nhiều. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các DN Việt tới chương trình “Bảo vệ quyền lợi NTD”. Nhằm tạo cơ hội cho NTD mua sắm hàng hóa thiết yếu đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, Sở Công Thương yêu cầu các DN tham gia chương trình khi đưa hàng hóa ra thị trường phải niêm yết rõ giá bán, nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, DN phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục kiến thức cho NTD và chính sách chăm sóc khách hàng…, qua đó đảm bảo 8 quyền của NTD.

Mặc dù ngành công thương Hà Nội và các DN tham gia chương trình tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền tới NTD về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là NTD - đối tượng thụ hưởng hoạt động tuyên truyền, cần chủ động và quan tâm hơn nữa tới quyền lợi của chính mình. Từ đó, có những phản hồi tích cực tới cơ quan quản lý, DN thì chương trình Hành động vì quyền lợi NTD mới thật sự hiệu quả.
8 quyền lợi Người tiêu dùng được hưởng
(1). Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; (2). Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng; (3). Được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; (4). Được góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; (5). Được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (6). Được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; (7). Được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các quy định khác của pháp luật có liên quan; (8). Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.